Vì sao các công ty Trung Quốc đổ xô IPO tại Mỹ bất chấp rủi ro hủy niêm yết?

22/06/2021 17:54 GMT+7
Các công ty công nghệ Trung Quốc tiếp tục tìm kiếm cơ hội niêm yết công khai lần đầu (IPO) ở Mỹ bất chấp nguy cơ bị hủy niêm yết và nhiều rủi ro địa chính trị khác.

Hồi sinh làn sóng công ty Trung Quốc IPO tại Mỹ

Nền tảng vận chuyển hàng hóa Full Truck Alliance, được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent Holdings và tập đoàn đầu tư SoftBank Group hiện có mức định giá IPO dự báo 19 USD/ cổ phiếu. Với mức giá dự đoán này, thương vụ IPO của Full Truck Alliance có thể đạt giá trị tới 1,57 tỷ USD. Cổ phiếu Full Truck Alliance sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn New York vào 22/6 (giờ Mỹ).

AiHuiShou International, một nền tảng internet bán đồ điện tử tiêu dùng đã qua sử dụng được hậu thuẫn bởi tập đoàn thương mại điện tử JD.com cũng đã huy động được 227 triệu USD qua thương vụ IPO trên sàn New York 19/6.

Một tuần trước đó, Kanzhun, nhà điều hành nền tảng tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin cũng huy động được 912 triệu USD sau khi niêm yết trong chỉ số Nasdaq của Mỹ.

Dịch vụ gọi xe Trung Quốc Didi Chuxing hiện đang thảo luận với các nhà đầu tư để thúc đẩy thương vụ IPO trị giá 10 tỷ USD trên sàn New York, theo những nguồn tin quen thuộc của Nikkei Asian Review.

Ngoài ra, ước tính có hơn 10 công ty khác, bao gồm nền tảng tạp hóa trực tuyến Dingdong Maicai, MissFresh và nhà điều hành khách sạn Atour cũng đang chuẩn bị cho các thương vụ IPO với tổng giá trị dự kiến lên tới 6 tỷ USD.

Với việc thị trường chứng khoán phục hồi và các nhà đầu tư gạt lo lắng về sự bùng phát lạm phát toàn cầu, hãng chia sẻ xe đạp Hello và công ty khởi nghiệp podcast Ximalaya đã hồi sinh kế hoạch IPO ở Mỹ. Các công ty này trước đó đã hoàn thành việc tiền tiếp thị các sản phẩm của họ và đang chờ môi trường thị trường thuận lợi để thúc đẩy thương vụ IPO.

Vì sao các công ty Trung Quốc đổ xô IPO tại Mỹ bất chấp rủi ro hủy niêm yết? - Ảnh 1.

Các công ty Trung Quốc, trong đó có AiHuiShou, đổ xô IPO tại Mỹ bất chấp rủi ro bị hủy niêm yết (Ảnh: AP)

Trước AiHuiShou, có tổng cộng 29 công ty Trung Quốc IPO tại Mỹ từ đầu năm 2021, huy động được 5,9 tỷ USD, theo dữ liệu từ Dealogic. Cùng kỳ năm ngoái, đã có 14 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ với tổng vốn huy động 2 tỷ USD. Tuy nhiên, làn sóng IPO đã chững lại vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua trong bối cảnh cuộc đàn áp chống độc quyền đối với lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc khiến hàng loạt tập đoàn công nghệ, trong đó có cả những ông lớn như Alibaba, Tencent và JD.com phải lao đao.

Sự bùng nổ của các thương vụ IPO trên sàn New York trong năm nay được dự báo sẽ đưa tổng giá trị vốn đầu tư mà các công ty Trung Quốc huy động được từ Mỹ vượt mức kỷ lục 13,5 tỷ USD đạt được vào năm ngoái. Con số 13,5 tỷ USD trước đó là mức vốn huy động cao nhất từ trước đến nay của các công ty Trung Quốc trên sàn Mỹ, theo dữ liệu của Dealogic; nếu không tính mức kỷ lục 29,1 tỷ USD của năm 2014 - thời điểm xuất hiện thương vụ niêm yết khủng trị giá 25 tỷ USD của Alibaba.

Lợi ích nhiều hơn rủi ro

"Các nhà đầu tư một lần nữa lại bắt đầu quan tâm đến các công ty công nghệ Trung Quốc. Một vài thương vụ IPO mạnh mẽ sắp tới có thể sẽ đẩy khối lượng giao dịch lên cao hơn. Điều này chứng minh dự báo của chúng tôi trước đó rằng sự sụt giảm chỉ là tạm thời và các nhà đầu tư Mỹ vẫn háo hức đổ tiền vào những công ty phát triển chóng mặt ở Trung Quốc” - một chuyên viên, người trực tiếp tham gia các giao dịch IPO của Trung Quốc cho hay trên Nikkei Asian Review.

Nhà phân tích Edward Au từ công ty quản lý Deloitte nhận định: “Các công ty khởi nghiệp sáng tạo đang thống trị thị trường Mỹ, nơi nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các khái niệm mới và giá trị các công ty khởi nghiệp công nghệ mới. Do đó, nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ chọn cách IPO ở Mỹ trước tiên và sau đó quay trở lại sàn Hong Kong để niêm yết thứ cấp”.

Một nguyên nhân khác khiến các công ty công nghệ Trung Quốc tìm kiếm đường niêm yết tại Mỹ là việc chính phủ Trung Quốc thắt chặt tiêu chí niêm yết trên sàn STAR của Thượng Hải để sàng lọc những công ty không sở hữu công nghệ đổi mới sáng tạo. Ước tính đã có hơn 90 công ty rút đơn đăng ký IPO ở đại lục trong năm nay.

Ivy Wong, người đứng đầu thị trường vốn Châu Á - Thái Bình Dương tại Baker McKenzie cho biết các công ty Trung Quốc "coi việc niêm yết ở nước ngoài là một trong những lựa chọn tốt nhất để đạt được sự ổn định và doanh thu nhất quán… Việc niêm yết tại thị trường Mỹ giúp họ có khả năng tiếp cận với các thị trường và khách hàng mới, chưa kể những lợi ích lớn như nền tảng nhà đầu tư rộng lớn."

Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, các công ty Trung Quốc có tiềm năng lớn trong việc cung cấp cơ hội tiếp xúc với một trong những thị trường phát triển nhanh nhất hành tinh.

Tất cả những nguyên nhân đó thúc đẩy làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc IPO tại Mỹ nóng lên bất chấp căng thẳng Mỹ Trung không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Năm ngoái, chính quyền cựu Tổng thống Trump đã ban hành đạo luật cấm cửa các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch Mỹ vào năm 2023 nếu các công ty này không đáp ứng được tiêu chuẩn kiểm toán khắt khe của Mỹ trong 3 năm liên tiếp. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ vào tháng trước đã bắt đầu các bước hướng tới đưa dự luật này trở nên có hiệu lực.

Cuối tháng trước, hai nghị sĩ Mỹ là Marco Rubio và Bob Casey tiếp tục đưa ra một đạo luật mới cấm các thương vụ IPO của công ty Trung Quốc. Nếu được thông qua, luật này sẽ cho phép Mỹ ngăn chặn bất kỳ công ty nào không tuân thủ nguyên tắc kiểm toán của Mỹ niêm yết trực tiếp tại quốc gia này, ngay cả bằng hình thức thông qua các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC).

Tuy nhiên, một chuyên viên tham gia vào đợt IPO của First Truck Alliance cho hay: "Lợi ích của việc niêm yết tại Mỹ vẫn vượt xa rủi ro từ việc buộc phải hủy niêm yết, trong trường hợp xảy ra biến cố. Nó cho phép doanh nghiệp tiếp xúc với vô số nhà đầu tư, đồng thời cũng tạo hiệu ứng về mức định giá được chấp nhận trên toàn cầu, có thể được sử dụng làm tiêu chuẩn để niêm yết ở những nơi khác."


NTTD
Cùng chuyên mục