Chính quyền ông Biden đang xem xét lại chính sách thương mại với Trung Quốc

25/08/2021 13:31 GMT+7
7 tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tiến vào Nhà Trắng, chính quyền của ông vẫn chưa thiết lập chính sách thương mại với Trung Quốc.

Gần đây, hôm 24/8, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho hay các cơ quan quản lý Mỹ phối hợp cùng Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ USTR đang tiến hành đánh giá toàn diện chính sách thương mại Mỹ - Trung. Thông tin được tiết lộ sau cuộc họp của USTR với hai hiệp hội kinh doanh bao gồm Hội đồng cố vấn thương mại Mỹ Trung và Hội đồng kinh doanh Mỹ Trung.

Cũng trong tuyên bố trước giới truyền thông, bà Katherine Tai thừa nhận tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung và cho biết Mỹ vẫn cam kết “giải quyết các chính sách thương mại không công bằng của Trung Quốc cũng như các hành vi đi ngược lại thị trường, làm suy yếu doanh nghiệp và gây thiệt hại cho người lao động Mỹ”.

Chính quyền ông Biden đang xem xét lại chính sách thương mại với Trung Quốc - Ảnh 1.

Mỹ đang xem xét lại chính sách thương mại với Trung Quốc (Ảnh: Reuters)

Michael Hirson, nhà phân tích Trung Quốc và Đông Bắc Á tại công ty tư vấn Eurasia Group nhận định ông Biden có thể thuyết phục các quốc gia G7 đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ trong vấn đề Trung Quốc, nhưng cho đến nay, vị Tổng thống Mỹ vẫn chưa có một chiến lược thương mại hoặc cách tiếp cận khác biệt và thực sự hiệu quả trong việc kiềm chế sức mạnh kinh tế của Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã leo thang dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi theo đuổi chiến lược America First (nước Mỹ trên hết), ông Trump đã áp thuế trừng phạt lên tới 25% với hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, dẫn đến cuộc chiến tranh thương mại - thuế quan dai dẳng giữa hai quốc gia. Xung đột sau đó lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác bao gồm công nghệ và tài chính.

Gần 18 tháng sau khi chính quyền Trump ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh, căng thẳng Mỹ - Trung vẫn chưa hạ nhiệt. Tân Tổng thống Joe Biden trong những tháng qua liên tục đưa thêm các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen và tăng cường hàng loạt động thái thể hiện cách tiếp cận cứng rắn với Trung Quốc. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu thu hẹp, hầu hết các mức thuế quan trừng phạt dưới thời Trump vẫn tiếp tục được áp dụng và gần như không có thêm bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào về các vấn đề kinh tế khác. Đó là chưa kể tới căng thẳng địa chính trị leo thang liên quan đến hàng loạt vấn đề khác từ nguồn gốc đại dịch Covid-19, cáo buộc tấn công mạng…

Tuy nhiên vào tháng trước, chính Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã lên tiếng thừa nhận trên tờ New York Times rằng thuế quan áp lên hàng nhập khẩu Trung Quốc đang làm tổn thương chính người tiêu dùng Mỹ. Kể từ khi ông Trump áp thuế khoảng 20% với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu Trung Quốc, Bộ Tài chính Mỹ đã thu về 100 tỷ USD thuế. Hầu hết số thuế này được trả bởi chính người tiêu dùng Mỹ khi các doanh nghiệp nhập khẩu nâng giá hàng hóa để bù đắp chi phí tăng do thuế quan.

Mỹ hiện nhập khẩu khoảng 550 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mỗi năm từ Trung Quốc. Con số này tương đương gần 1/4 tổng quy mô nền kinh tế hơn 2,4 nghìn tỷ của Mỹ. Mức thuế 20% áp dụng cho khoảng một nửa số hàng hóa nhập khẩu này. Như vậy, nếu tính một cách đơn giản, các nhà quan sát cho hay việc dỡ bỏ thuế quan có thể làm giảm giá hàng hóa lâu bền khoảng hơn 2%.

Hôm 5/8, hơn 30 tổ chức doanh nghiệp bao gồm Phòng Thương mại Mỹ, Hiệp hội chip bán dẫn, đại diện các nhà bán lẻ, trang trại và nhà sản xuất đã cùng chung tiếng nói yêu cầu chính quyền ông Biden dỡ bỏ thuế quan áp lên hàng nhập khẩu của Trung Quốc và khởi động lại tiến trình đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Thông điệp nêu rõ: “Một chương trình nghị sự thương mại lấy người lao động làm trọng tâm thì chính phủ cần tính đến các thiệt hại mà thuế quan Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc gây ra cho chính người lao động Mỹ. Cần loại bỏ các mức thuế quan gây tổn hại đến lợi ích của người Mỹ như vậy”.

Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị chưa hạ nhiệt, thương mại song phương Mỹ - Trung là lĩnh vực hiếm hoi tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong 7 tháng đầu năm đã tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi nhập khẩu cũng tăng 50,4% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Wind Information. Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã lên 35,42 tỷ USD tính đến hết tháng 7 qua.


NTTD
Cùng chuyên mục