Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của Thừa Thiên Huế

31/12/2021 08:55 GMT+7
Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, cần phải xây dựng thương hiệu giống mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các Lễ hội hoàng mai Huế mang tầm quốc gia.

Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội nghị triển khai 2 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh gồm "Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống mai vàng Huế" và "Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý Huế cho sản phẩm hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế".

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của Thừa Thiên Huế - Ảnh 1.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ tham gia trồng cây mai vàng ở làng cổ Phước Tích. Ảnh: N.M.

Theo Sở KHCN tỉnh Thừa Thiên Huế, nhằm bảo tồn, phát triển nguồn gen giống mai vàng Huế và thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành xứ sở mai vàng của Việt Nam trên nền tảng khoa học, cơ quan này đã tham mưu UBND Thừa Thiên Huế triển khai 2 đề tài trên.

Mục tiêu của các đề tài là nhằm xác định được các đặc điểm sinh học, hình thái của các loại mai vàng hiện hữu tại tỉnh Thừa Thiên Huế; phân biệt được giống mai vàng Huế với giống mai vàng khác. Bên cạnh đó, các đề tài cũng nhằm xác định sự phân bố, những yếu tố văn hóa, lịch sử gắn với sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của giống mai vàng Huế cũng như mối quan hệ di truyền với mai vàng khác; xây dựng được bộ chỉ thị phân tử đặc trưng để nhận dạng giống mai vàng Huế và xây dựng các quy trình nhân giống mai vàng Huế.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của Thừa Thiên Huế - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cùng lãnh đạo TP. Huế trồng bổ sung cây mai trước Đại nội Huế. Ảnh: N.M.

Các đề tài sẽ nghiên cứu giải pháp bảo tồn mai vàng Huế và xây dựng phương án, kế hoạch bảo tồn 100 cây mai vàng Huế có tuổi đời trên 50 năm tuổi; nghiên cứu tuyển chọn các cây mai vàng Huế có đặc tính điển hình để làm nguồn giống đầu dòng. Trên cơ sở đó, sẽ tiến tới xây dựng hồ sơ và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý "Huế" cho sản phẩm hoàng mai của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài là cơ sở để phát triển ngành sản xuất mai vàng Huế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, góp phần ổn định kinh tế xã hội ở tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mai vàng của Thừa Thiên Huế - Ảnh 3.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế trồng mai vàng thực hiện phong trào "Mai vàng trước ngõ". Ảnh: Q.Đ.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, Thừa Thiên Huế có đủ điều kiện để phát triển cây mai vàng Huế trở thành thương hiệu nổi tiếng như hoa anh đào Nhật Bản. Để thực hiện điều này, cần đề ra chiến lược lâu dài và các mục tiêu cụ thể, trong đó phải xây dựng được thương hiệu giống mai vàng Huế thông qua việc quảng bá, tổ chức các Lễ hội hoàng mai Huế mang tầm quốc gia.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, điều tất yếu hiện nay là phải đánh giá được giống mai Huế nào là chủ đạo để nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, cần quy hoạch các khu vực trồng mai vàng phù hợp, phát triển hình thành các vườn mai lớn, các rừng mai. Đồng thời, phải có sự vào cuộc của các địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành trong việc vận động, thuyết phục người dân bảo vệ giống mai vàng Huế. Về lâu dài, cây mai vàng Huế phải trở thành một loại hàng hoá tạo ra thu nhập, góp phần phục vụ phát triển kinh tế thông qua du lịch, thông qua xây dựng bản sắc văn hoá Huế…  


Trần Hòe
Cùng chuyên mục