Xây dựng cơ chế thí điểm thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn theo chuỗi liên kết

06/10/2023 14:31 GMT+7
Bảo hiểm Agribank phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng cơ chế thí điểm thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn theo chuỗi liên kết trong vùng nguyên liệu.

Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (Bảo hiểm Agribank) cho biết, Bảo hiểm Agribank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng cơ chế thí điểm thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn theo chuỗi liên kết trong vùng nguyên liệu lúa gạo và trái cây vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, nhằm thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn theo chuỗi liên kết trong vùng nguyên liệu theo Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, Agribank và Bảo hiểm Agribank thống nhất sẽ hình thành mạng lưới đầu mối tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy các gói tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn trong vùng nguyên liệu.

Mạng lưới các đầu mối tư vấn thường xuyên cùng nhau phối hợp tư vấn, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng và bảo hiểm gắn với nông nghiệp - nông thôn do Agribank và Bảo hiểm Agribank cung cấp trong vùng nguyên liệu; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận vốn tín dụng.

Xây dựng cơ chế thí điểm thúc đẩy tín dụng và bảo hiểm theo chuỗi liên kết - Ảnh 1.

Agribank và Bảo hiểm Agribank cùng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn thành lập cơ sở dữ liệu nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết trong các chuỗi giá trị; mở các tài khoản giao dịch cho các tác nhân tham gia trong chuỗi liên kết tại Agribank; phối hợp với các địa phương triển khai hiệu quả cho vay tín dụng thông qua các chính sách của nhà nước như: cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân vay đối ứng mua sắm tài sản, trang thiết bị, máy móc phụ vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; cho hợp tác xã vay bảo lãnh thực hiện dịch vụ tín dụng nội bộ…

Dự kiến việc thí điểm trong vùng nguyên liệu các mô hình cho vay thông qua các gói tín dụng bảo lãnh theo 3 hình thức, bao gồm: mô hình cho vay sỉ thông qua hợp tác xã; mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua giữa 3 bên: ngân hàng - doanh nghiệp liên kết thu mua nông sản - hợp tác xã) và mô hình cho hợp tác xã vay thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay và vốn góp của hợp tác xã.

Agribank và Bảo hiểm Agribank phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương tập huấn, tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ, cung cấp thông tin về các gói tín dụng cho các đối tượng tham gia các chuỗi liên kết trong vùng nguyên liệu.

Đề án Thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt ngày 25/3/2022 với mục tiêu xây dựng 5 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn.

Đề án được thực hiện theo hai giai đoạn.

Giai đoạn 1 (2022-2023), tập trung thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích khoảng 166.800 ha. Trong đó, vùng cây ăn quả miền núi phía Bắc (14.000 ha); gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, PEFC, VFCS,…) vùng duyên hải miền Trung (22.900 ha); cà phê Tây Nguyên (19.700 ha); lúa gạo vùng Tứ giác Long Xuyên (50.000 ha); cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười (60.200 ha).

Giai đoạn này sẽ hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân liên kết trong các vùng nguyên liệu, đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu.

Giai đoạn 2 (2024-2025), mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistic) hỗ trợ hợp tác xã.

Tổng kinh phí thực hiện đề án 2.467,3 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 942,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương 409,4 tỷ đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp và hợp tác xã 572,2 tỷ đồng, vốn tín dụng 552,3 tỷ đồng.

Đề án là bước đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu. Qua đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.



PVKT
Cùng chuyên mục