Xuất khẩu đồ gỗ tăng bất chấp khó khăn, lạm phát
10 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng
Ước tính, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 10/2022 đạt 1,2 tỷ USD, tăng 7,7% so với tháng 9/2022 và tăng 25,9% so với tháng 10/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 747 triệu USD, tăng 1,6% so với tháng 9/2022 và tăng 18,5% so với tháng 10/2021. Trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 13,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ quý III/2022 đạt 3,88 tỷ USD, giảm 12,2% so với quý 2/2022, nhưng tăng 34,8% so với quý III/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong quý III/2022 đạt 2,5 tỷ USD, giảm 17,9% so với quý II/2022, nhưng tăng 25,1% so với quý III/2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 8,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu chủ yếu tới khu vực châu Mỹ trong 9 tháng năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 58,1% tổng trị giá xuất khẩu, giảm 5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu sang khu vực này giảm mạnh là do xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm tốc.
Đáng chú ý, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới khu vực châu Á trong 9 tháng năm 2022 đạt 4,3 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2021 do trị giá xuất khẩu sang các thị trường chính như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tăng trưởng tốt.
Về mặt hàng: Đồ nội thất là nhóm hàng xuất khẩu chính. Tuy nhiên trong 9 tháng năm 2022, tỷ trọng xuất khẩu nhóm hàng này giảm do xuất khẩu sang khu vực châu Mỹ giảm tốc. Áp lực lạm phát cao tại thị trường nhập khẩu chính trong khu vực châu Mỹ là Hoa Kỳ khiến nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này giảm.
Đáng chú ý, xuất khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ sang khu vực châu Á tăng trưởng mạnh, khiến tỷ trọng của cả 2 mặt hàng này đều tăng trong 9 tháng năm 2022. Nhu cầu nhập khẩu dăm gỗ và viên nén gỗ tại khu vực châu Á tăng mạnh là do các thị trường chính Hàn Quốc, Nhật Bản đều có nhu cầu tăng, trong bối cảnh 2 thị trường này tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Trung Quốc cũng đang có những động thái chuyển một phần nguồn điện và hệ thống sưởi chạy bằng than đá sang viên nén, khiến nhu cầu viên nén gỗ tại Trung Quốc sẽ tăng mạnh.
5 thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam bao nhiêu?
Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam cho đến nay giảm trong tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hàn Quốc; nhưng tăng trong tổng trị giá nhập khẩu của thị trường Đức, Pháp, Nhật Bản, Thụy Sỹ và Tây Ban Nha.
Lạm phát gia cao tại các thị trường nhập khẩu chính đã ảnh hưởng đến tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như đồ nội thất bằng gỗ, vì vậy nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này giảm tốc. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), thị trường nhập khẩu chính đồ nội thất bằng gỗ như Hoa Kỳ và Anh vẫn tăng nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, so với tốc tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm 2021 thì trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ và Anh giảm tốc mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2021, trị giá nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Hoa Kỳ đã tăng 65,7% và Anh tăng 54,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ lớn nhất trên toàn cầu trong 7 tháng đầu năm 2022 và Việt Nam là thị trường cung cấp lớn nhất cho Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do áp lực của lạm phát gia tăng, nhu cầu nhập khẩu mặt hàng này của Hoa Kỳ chậm lại, do đó tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam giảm 4,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Đa dạng hóa thị trường nhập khẩu là rất cần thiết trong bối cảnh nhu cầu từ thị trường nhập khẩu chính giảm. Chính vì vậy, trong khi giảm tỷ trọng đồ nội thất bằng gỗ tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam tăng tỷ trọng tại các thị trường khác như Đức, Pháp, Nhật Bản, Úc và Tây Ban Nha.
Nhu cầu đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ trên thị trường toàn cầu dự báo kém khả quan, bởi các thị trường tiêu thụ chính như Hoa Kỳ và châu Âu giảm chi tiêu vì lạm phát. Tại Trung Quốc, ngành bất động sản gặp khó khăn và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD. Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Hoa Kỳ và các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ khó tăng mạnh như trước kia, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay tthị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.