Nguồn cung thấp, đẩy giá lúa gạo “neo” ở mức cao của 1 năm
Giá gạo Việt Nam tuần qua “neo” ở mức cao của 1 năm
Trong tuần qua, nguồn cung thấp giúp giá lúa gạo neo ở mức cao. Giá lúa gạo hôm nay 13/11 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đà đi ngang. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 6.700 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.500 – 6.650 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.000 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 8.000 – 8.100 đồng/kg; nếp tươi An Giang 7.200 – 7.300 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm cũng không có biến động. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; gạo thành phẩm ở mức 9.800 – 10.000 đồng/kg. Tương tự, với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ổn định ở mức 9.800 – 9.900 đồng/kg; cám khô ở mức 8.700 – 8.800 đồng/kg.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Theo các thương lái, cuối tuần này lượng gạo về ổn định. Thị trường giao dịch đều. Trong tuần qua giá lúa gạo tiếp tục neo ở mức cao, giá nhiều mặt hàng lúa điều chỉnh tăng 100 - 200 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất duy trì ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Trong 10 ngày đầu tháng 11/2022, giá gạo xuất của Việt Nam vẫn ở mức cao nhất thế giới. Cụ thể, ngày 8/11, gạo 5% tấm loại đóng bao 50 kg/bao đối với gạo Ấn Độ giao dịch ở mức 385 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấn Thái Lan giá 405 USD/tấn (FOB), gạo 5% tấm của Việt Nam giá 425 USD/tấn (FOB), Đối với gạo OM 5451 giá 450 USD/tấn (FOB), gạo DT8 giá 480 USD/tấn (FOB).
Gạo Việt sẽ tiếp tục tận dụng tốt cơ hội của thị trường
Số liệu của Chính phủ cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 10/2022 đã tăng 22,3% so với tháng trước lên 713.546 tấn, trong khi xuất khẩu gạo trong giai đoạn tháng 1-10/2022 tăng 17,4% so với cùng giai đoạn năm ngoái lên khoảng 6 triệu tấn, trị giá 2,95 tỷ USD.
Trong tháng 10/2022 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh trở lại 45,4% về lượng và tăng 50,6% kim ngạch so với tháng 9/2022, đạt 268.787 tấn, tương đương 122,91 triệu USD; nhưng giảm 2,6% về lượng, giảm 10,5% kim ngạch, giảm 8,2% về giá so với tháng 10/2021. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 10/2022 tiếp tục tăng 24,7% về lượng và tăng 26,1% kim ngạch so với tháng 9/2022, đạt 131.609 tấn, tương đương 63,31 triệu USD; so với tháng 10/2021 thì tăng mạnh 66,7% về lượng, tăng 75% kim ngạch.
Tính chung cả 10 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 6,08 triệu tấn, tương đương trên 2,95 tỷ USD, tăng 17,4% về khối lượng, tăng 7,6% về kim ngạch so với 10 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3%.
Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,74 triệu tấn, tương đương 1,27 tỷ USD, giá trung bình 462,3 USD/tấn, tăng 30,8% về lượng, tăng 18,4% về kim ngạch nhưng giảm 9,5% về giá so với 10 tháng đầu năm 2021.
Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm gần 13% trong tổng lượng và tổng kim ngạch, đạt 757.575 tấn, tương đương 382,68 triệu USD, giá trung bình 505 USD/tấn, giảm 18% về lượng và giảm 16,8% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 588.621 tấn, tương đương 264,46 triệu USD, giá 449,3 USD/tấn, tăng mạnh 88,4% về lượng và tăng 66,3% kim ngạch nhưng giảm 11,7% về giá so với cùng kỳ, chiếm 9% trong tổng lượng và tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 4,07 triệu tấn, tương đương 1,92 tỷ USD, tăng 17,8% về lượng, tăng 9,5% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 511.396 tấn, tương đương 246,92 triệu USD, tăng 34,5% về lượng và tăng 22,7% kim ngạch.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 410 USD/tấn, so với mức 405-410 USD/tấn trong tuần trước. Giá không chênh lệch nhiều do nhu cầu hạn chế, tuy nhiên các thương nhân cho hay giá lương thực thiết yếu này có thể sẽ giảm khi có nguồn cung mới từ vụ thu hoạch sắp tới.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức 370-375 USD/tấn. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này cho biết lượng đơn đặt hàng mới đã chậm lại, nhưng các nhà xuất khẩu không thể giảm giá do rupee đang tăng giá trong vài ngày gần đây.
Lượng mưa lớn hồi đầu tháng đã làm hư hại cây lúa ngay trước khi thu hoạch ở các bang sản xuất chính. Trong khi đó, lũ lụt nghiêm trọng đã phá hủy mùa màng ở nước láng giềng Bangladesh tại thời điểm nước này đang vật lộn để kiềm chế giá gạo trong nước tăng do nguồn cung thấp.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng của Bangladesh có thể giảm 1% so với năm 2021 xuống còn 35,6 triệu tấn trong niên vụ 2022-23 do lũ lụt.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo còn 2 tháng nữa là kết thúc năm và khả năng đạt sản lượng xuất khẩu gạo 6,5 triệu tấn là hoàn toàn có thể vì thị trường đang tốt. Vấn đề chỉ là sản lượng Việt Nam không có nhiều để xuất khẩu. Vụ thu đông ở ĐBSCL diện tích gieo trồng khoảng 700.000 ha nên sản lượng gối đầu qua năm sau ít.
Theo VFA, so với thời điểm trước khi Ấn Độ có chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì hiện giá gạo Việt Nam bình quân tăng 30 USD/tấn. Tình hình thế giới đang có lợi cho ngành lúa gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận và mở thêm các thị trường mới.
Các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp sản xuất lúa gạo nhận định trong ngắn hạn xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức giá cao. Thứ nhất là do những bất ổn về kinh tế và chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Thứ hai là tác động của biến đổi khí hậu gây nên những hình thái thời tiết cực đoan ngày càng nhiều.
Đặc biệt trong năm nay là tình hình khô hạn kỷ lục ở khắp nơi từ châu Á đến châu Âu và châu Mỹ, sau đó lại là lũ lụt nghiêm trọng ở Pakistan và Ấn Độ - hai nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Chính vì vậy, về dài hạn xuất khẩu gạo và nông sản của Việt Nam vẫn sẽ khả quan.
Riêng về gạo, trong ngắn hạn sẽ ổn định ở mức cao cho đến khi Ấn Độ có sự điều chỉnh chính sách xuất khẩu gạo của họ. Lý do, Ấn Độ là nước chiếm đến 40% lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Năm 2021, Ấn Độ xuất khẩu lượng gạo kỷ lục 21,2 triệu tấn và giá rẻ hơn các đối thủ bình quân đến 30%. Việc hạn chế xuất khẩu gạo hồi tháng 9/2022 (cấm xuất khẩu gạo tấm, đánh thuế 20% với gạo trắng) dự kiến sẽ làm sản lượng gạo nước này sụt giảm khoảng 1/4 trong năm 2022, đẩy giá gạo thế giới tăng vọt và đạt mức cao nhất trong vòng 1 thập niên qua.
Theo Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc, chỉ số giá gạo tháng 10 đã tăng 2,2% lên mức cao nhất trong 18 tháng. Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) điều chỉnh ước tính sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022 - 2023 từ mức 512 triệu tấn xuống còn 508 triệu tấn, mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Gạo Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc này.
Sản lượng gạo toàn cầu theo ước tính của USDA vẫn còn lạc quan, nhiều dự báo còn cho thấy mức giảm mạnh hơn xuống khoảng 500 triệu tấn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất cây trồng ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.
Cụ thể, sản lượng lúa vụ hè của Ấn Độ có thể giảm xuống còn 105 triệu tấn vào năm 2022 - 2023 tương đương mức giảm 6%. Sản lượng gạo ở Trung Quốc, nước tiêu thụ ngũ cốc lớn nhất, có thể giảm 2,9% so với một năm trước xuống còn 206 triệu tấn. Pakistan, một trong những nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, cũng không thể tận dụng các hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ vì hứng chịu trận lũ lụt nghiêm trọng. USDA ước tính sản lượng gạo của Pakistan có thể giảm 18% xuống 7,4 triệu tấn.
Trong bối cảnh đó, Thái Lan và Việt Nam là hai nước có thời tiết và mùa vụ tương đối thuận lợi để có thể tận dụng tốt cơ hội thị trường hiện nay.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022 cả nước xuất khẩu 713.546 tấn gạo, tương đương 341,06 triệu USD, giá trung bình 478 USD/tấn, tăng 22,4% về lượng và tăng 23,9% kim ngạch, giá tăng nhẹ 1,3% so với tháng 9/2022; so với tháng 10/2021 thì tăng 15,5% về lượng, tăng 6% kim ngạch nhưng giảm 8,2% về giá.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước ở mức 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Các thương nhân cho biết giá gạo có thể sẽ duy trì ở mức này hoặc thậm chí tăng nhẹ trong những tuần tới, vì nhu cầu thường cao hơn vào cuối năm, trong khi nguồn cung lương thực toàn cầu không ổn định liên quan đến khủng hoảng Ukraine.