Xuất khẩu gạo đã vượt 6 triệu tấn
Xuất khẩu gạo 10 tháng mang về gần 3 tỷ USD
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2022 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 6,07 triệu tấn với 2,94 tỷ USD, tăng 17,2% về khối lượng và tăng 7,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà với trên 71%. Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Gana, giảm gần 33%.
Trong tháng 10, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam dao động từ 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Nguồn cung trong nước ở mức thấp và các thương nhân dự đoán giá có thể cao hơn một chút trong ngắn hạn. Xuất khẩu gạo của Việt Nam dự đoán tăng trong năm nay.
Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng baht yếu và nhu cầu giảm. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Các thương nhân cho rằng, giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh không hề có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt.
Cùng với đó, đồng baht của Thái Lan đã được giao dịch gần mức thấp nhất kể từ năm 2006 so với đồng đô la Mỹ, bởi những lo ngại dai dẳng về tăng trưởng toàn cầu và suy thoái.
Tín hiệu tích cực từ xuất khẩu đã giúp giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong những ngày cuối tháng 10 trong bối cảnh nhu cầu sôi động, nguồn cung khan hiếm.
Giá lúa gạo hôm nay 2/11 tại Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Nguồn cung lúa rất ít, giá lúa các loại chững lại ở mức cao. Cụ thể, lúa Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 7.900 đồng/kg.
Với các chủng loại lúa còn lại, giá đi ngang. Hiện lúa IR 504 ở mức 6.200 – 6.300 đồng/kg; Đài thơm 8 6.300 – 6.400 đồng/kg; lúa OM 5451 mức 6.300 – 6.400 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg. Nếp An Giang khô đang được thương lái thu mua ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg; nếp Long An khô 8.700 – 9.100 đồng/kg; nàng hoa 9 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm được điều chỉnh tăng trở lại. Hiện giá gạo nguyên liệu ở mức 9.350 – 9.450 đồng/kg, tăng 50 – 150 đồng/kg; gạo thành phẩm duy trì ổn định ở mức 10.000 - 10.050, tăng 100 – 150 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ở mức 9.700 - 9.800 đồng/kg, tăng 300 – 400 đồng/kg; cám khô ở mức 8.600 – 8.700 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ít, các kho mua ổn định. Mặt bằng giá ổn định so với hôm qua. Nguồn cung lúa rất ít, hầu như đã được cọc hết, giá lúa các loại chững lại ở mức cao.
Trong tháng 10, giá gạo trong nước tiếp tục tăng do nguồn cung vụ Thu Đông về ít, nhu cầu mua của các kho ở mức cầm chừng. Giá lúa tiếp tục đà tăng, tuy nhiên biên độ tăng không lớn.
Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất vẫn duy trì ổn định ở mức khá cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.
Doanh nghiệp cho biết, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng không kịp so với đà tăng giá gạo trong nước, nguyên nhân do nguồn nguyên liệu trong nước đang cạn kiệt và do một số đơn vị xuất khẩu gạo còn đang nợ hợp đồng mà thời gian giao hàng không còn nhiều, nên đã tập trung mua cho đủ số lượng để kịp giao hàng trong các tháng cuối năm.
Triển vọng xuất khẩu lúa gạo trong dài hạn có nhiều lạc quan
Ngành gạo Việt trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.
Trong nửa đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỉ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%.
Nhờ đó xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, thị trường Mỹ 8 tháng năm nay tăng trên 84%, sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trên 82%.
Theo các doanh nghiệp, trong 3 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi khi toàn cầu sắp đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực khan hiếm. Hiện, năng suất sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang giảm, trong khi đó, quy mô vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó do mưa đã làm hư hại các ruộng lúa ở các bang phía Bắc và Đông Bắc.
Thị trường gạo xuất khẩu trong các tháng cuối năm rất nhộn nhịp, số lượng tàu vào TP.Hồ Chí Minh ăn hàng rất nhiều và đa số là những tàu lớn đi gạo đóng túi có trọng lượng từ 4,5kg đến 5 kg/túi, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu gạo đều có điểm đến là Philippines, Trung Quốc và châu Phi…
Do nhu cầu giao hàng của doanh nghiệp tăng mạnh nên giá gạo trong nước đã tăng, tuy vậy nguồn cung vẫn có đủ cho nhu cầu mua vào của doanh nghiệp, và phần lớn các doanh nghiệp ký hợp đồng mới đều có chân hàng trong kho nên đạt lợi nhuận đạt từ 15 USD đến 20 USD/tấn. Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng tỷ giá USD/VND cũng thấp hơn so với tỷ giá hiện nay nên doanh nghiệp xuất khẩu càng có lợi.
Nhìn chung trong 10 tháng năm 2022, giá lúa gạo có xu hướng tăng và đứng ở mức cao so với cùng kỳ năm 2021. Bộ NN&PTNT cũng dự báo nếu thời tiết từ nay đến cuối năm thuận lợi, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Trong dài hạn, các thương nhân xuất khẩu gạo đều tỏ ra lạc quan. Ấn Độ vẫn áp dụng chính sách thuế xuất khẩu 20% với gạo trắng cũng như chưa dỡ bỏ lệnh cấm với xuất khẩu gạo tấm. Điều này tiếp tục gây thiếu hụt nguồn cung trên quy mô toàn cầu, thị trường bớt sức cạnh tranh. Chính vì vậy, các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam, được hưởng lợi. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tìm lại được một số khách hàng truyền thống ở châu Phi dù không nhiều vì giá gạo Việt Nam cao so với nhu cầu tiêu dùng của khu vực này.
Thời điểm cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp đều cạn kho nên giá tăng. Triển vọng của ngành xuất khẩu lúa gạo trong dài hạn có nhiều lạc quan cả về lượng và giá. Thứ nhất là chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ chưa và ít có khả năng được dỡ bỏ khi nước này tiếp tục gánh chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung. Thứ hai, ngoài lệnh cấm của Ấn Độ thì nhu cầu lương thực thế giới đang cao do đối mặt chiến tranh và thiên tai nghiêm trọng khắp nơi. Cụ thể như hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lương thực của Việt Nam thời gian qua tương đối thuận lợi và sản lượng dồi dào. Cục diện đó cho thấy, trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, đầu ra của sản phẩm gạo Việt Nam vẫn lạc quan.
Liên quan đến thị trường gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc, một số thông tin cho thấy, nước này có kho dự trữ gạo lớn. Trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực thu mua và tồn trữ một lượng lớn gạo với sản lượng có năm lên tới trên 113 triệu tấn. Chính vì vậy, dù đang đối mặt hạn hán nghiêm trọng làm sản lượng lương thực sản xuất sụt giảm nhưng Trung Quốc vẫn không vội nhập khẩu mà đang sử dụng nguồn dự trữ bù vào phần thiếu hụt. Tuy nhiên, có thể trong năm 2023 và một số năm tiếp theo Trung Quốc sẽ phải tăng cường thu mua để bù lại nguồn dự trữ. Vì thế, nhu cầu gạo sẽ gia tăng và đây là lợi thế cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam.
Mới đây, USDA cũng đã công bố bảng cân đối gạo mới nhất của Trung Quốc. Theo đó, USDA dự báo sản xuất, tiêu thụ và nhập khẩu gạo đã xay xát được dự báo sẽ giảm so với năm trước. Báo cáo vẫn giữ nguyên dự báo sản lượng gạo xay xát năm 2022-2023 (tháng 7/2022 đến tháng 6/2023) của Trung Quốc không thay đổi so với dự báo chính thức là 147 triệu tấn. Dự báo giảm so với mức 148,99 triệu tấn của năm trước do hạn hán đối với cây trồng từ giữa đến cuối vụ.
Hạn hán đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Nam, chiếm khoảng 65% sản lượng của Trung Quốc. Hạn hán ảnh hưởng đến các diện tích lúa từ giữa đến cuối niên vụ, giai đoạn sinh trưởng quan trọng và nhạy cảm nhất với nhiệt độ và lượng mưa. Theo các nguồn tin địa phương, các cánh đồng lúa ở khu vực đồi núi hẻo lánh của miền Trung Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán. Hạn hán đang tiếp tục ảnh hưởng đến hai tỉnh trồng lúa hai vụ hàng đầu của nước này là Giang Tây và Hồ Nam.
Báo cáo cũng cho biết cơ quan chức năng địa phương Trung Quốc đã hạ dự báo tiêu thụ gạo niên vụ 2022-2023 của Trung Quốc xuống 155 triệu tấn so với dự báo chính thức 156,1 triệu tấn của USDA. Dự báo giảm so với ước tính 156,34 triệu tấn của năm trước. Giá gạo nội địa của Trung Quốc vẫn ổn định bất chấp hạn hán và biến động giá quốc tế. USDA giữ nguyên dự báo nhập khẩu gạo 2022/23 của Trung Quốc là 5,5 triệu tấn. Dự báo giảm so với mức 5,95 triệu tấn của năm trước do lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ.