Xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2023 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, cơ hội cho gạo Việt?

21/10/2022 19:09 GMT+7
Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nếu lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng gạo trên cả nước thì xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm tới sẽ chịu tác động tiêu cực.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2023 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực 

Lũ lụt đã và đang tàn phá những mảnh đất nông nghiệp rộng lớn ở nhiều khu vực tại Thái Lan, khiến việc thu hoạch vụ lúa chính trong niên vụ 2022-2023 có khả năng bị chậm hai tuần, cũng như ảnh hưởng tới sản lượng của vụ lúa tiếp theo.

Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, tình trạng lũ lụt do bão Noru vào cuối tháng 9 và mưa lớn vào đầu tháng này có thể làm giảm sản lượng gạo trong vụ lúa chính của Thái Lan và vẫn còn quá sớm để ước tính thiệt hại vì lũ lụt vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi trên cả nước.

Trung tâm Nghiên cứu Kasikorn của Thái Lan ước tính lũ lụt trong tháng 8 và tháng 10 có thể làm sản lượng gạo trong vụ mùa chính giảm, gây thiệt hại khoảng 2,9-3,1 tỷ baht (khoảng từ 76-81 triệu USD), và có thể khiến giá gạo Thái Lan tiếp tục ở mức tương đối cao trong thời gian này.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết nếu lũ lụt tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng gạo trên cả nước thì xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm tới sẽ chịu tác động tiêu cực. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan khẳng định lũ lụt khó có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm nay.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan nhấn mạnh: Năm nay, xuất khẩu gạo của Thái Lan chắc chắn sẽ đạt 7,5 triệu tấn và thậm chí có thể đạt 8 triệu do đồng baht yếu và việc Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu. Quan trọng hơn, Thái Lan có đủ dự trữ gạo để xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết giá gạo nội địa của Thái Lan được đánh giá là tốt và sẽ duy trì ở mức tương đối cao trong năm nay do nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh và đồng baht suy yếu làm tăng khả năng cạnh tranh của nước này trong xuất khẩu gạo. Giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan hiện được giao dịch ở mức 439 USD/tấn, trong khi gạo trắng của Việt Nam ở mức 428-432 USD/tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan đạt 5,6 triệu tấn, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2023 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, cơ hội cho gạo Việt? - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 21/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định.

Giá lúa gạo hôm nay 21/10 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định. Cụ thể nếp An Giang khô đang được thương lái thu mua ở mức 8.400 – 8.500 đồng/kg; nếp khô Long An 8.600 – 9.000 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg; lúa OM 5451 đang được thương lái thu mua ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg, lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức 5.500 -5.700 đồng/kg; lúa IR 504 5.300 – 5.500 đồng/kg, lúa Đài thơm 8 5.600 – 5.800 đồng/kg; Nàng hoa 9 duy trì ở mức 5.600 – 5.800 đồng/kg; nếp An Giang (tươi) 5.900 – 6.100 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 6.200 – 6.500 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Cụ thể, hiện giá gạo nguyên liệu đang được thương lái thu mua ở mức 9.100 đồng/kg. Gạo thành phẩm dao động quang mốc 9.700 – 9.750 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, hiện giá tấm duy trì ở mức 9.300 đồng/kg; cám khô ổn định ở mức 8.250 – 8.300 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo nguyên liệu về ít, các kho mua chậm lại, giá gạo giữ mức ổn định. Nguồn lúa thu đông ít nên các thương lái ít chấp nhận mua giá cao với lúa đẹp, song quy mô giao dịch nhỏ.

Tính đến thời điểm hiện nay, thu hoạch lúa thu đông tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt khoảng 34% diện tích.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ổn định so với hôm qua. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9 cả nước xuất khẩu 583.203 tấn gạo, tương đương 275,3 triệu USD, giá trung bình 472 USD/tấn, giảm gần 19% cả về lượng và kim ngạch, giảm nhẹ 0,2% về giá so với tháng 8. Còn so với tháng 9/2021 cũng giảm 1,6% về lượng, giảm 6% kim ngạch và giảm 4,4% về giá.

Tính chung cả 9 tháng năm 2022 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 5,37 triệu tấn, tương đương gần 2,61 tỷ USD, tăng 17,7% về khối lượng, tăng gần 8% về kim ngạch so với 9 tháng năm 2021, giá trung bình đạt 484,9 USD/tấn, giảm 8,4%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 46% trong tổng lượng và chiếm 44% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 2,47 triệu tấn, tương đương 1,14 tỷ USD, giá trung bình 462,9 USD/tấn, tăng mạnh 35,3% về lượng, tăng 22,2% về kim ngạch nhưng giảm 9,7% về giá so với 9 tháng đầu năm 2021.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 11,7% trong tổng lượng và chiếm 12,3% trong tổng kim ngạch, đạt 626.012 tấn, tương đương 319,41 triệu USD, giá trung bình 510,2 USD/tấn, giảm 26% về lượng và giảm 24,7% kim ngạch; giá tăng nhẹ 1,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Thị trường Bờ Biển Ngà đứng thứ 3 đạt 546.976 tấn, tương đương 246,9 triệu USD, giá 451,4 USD/tấn, tăng mạnh 94,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch nhưng giảm 11,9% về giá so với cùng kỳ năm 2021, chiếm 10,2% trong tổng lượng và chiếm 9,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Thiên tai, thời tiết bất lợi sẽ đẩy giá gạo tiếp tục tăng mạnh đến giữa năm 2023?

Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành gạo mới đây, Công ty CP Chứng khoán Yuanta dự báo giá gạo sẽ tăng mạnh từ nay cho đến niên vụ 2022-2023. Thiên tai gây khó khăn cho xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ là cơ hội cho gạo Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Yuanta dự báo, Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn gạo vào năm 2022 và năm 2023, nếu mùa vụ thuận lợi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu lượng gạo không thấp hơn năm nay.

Về cung - cầu gạo thế giới, Yuanta cho biết, nhu cầu gạo tăng trưởng ổn định trong khi nguồn cung có thể giảm trong năm tới. Nguồn cung cho 2022/23 dự báo giảm chủ yếu do sản lượng thấp từ Ấn Độ, Thái Lan và nhiều nước sản xuất khác...

Trong khi đó, các nước nhập khẩu gạo lớn nhất đang bị áp lực. Trung Quốc bị hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh khiến giảm sản lượng gạo và dự kiến sẽ phải tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục khoảng 6 triệu tấn niên vụ 2022/23. Philippines cố gắng tăng dự trữ gạo cho an ninh lượng thực. Bangladesh bị lũ lụt làm giảm năng suất.

Xuất khẩu gạo của các nước đang có sự cạnh tranh về giá và chất lượng. Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm và đánh thuế 20% đối với gạo lứt và gạo trắng (trừ gạo basmati và gạo đồ). Tổng các phần chịu ảnh hưởng của thuế mới là 40-60% giá trị xuất khẩu. Dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ giảm.

USDA dự báo xuất khẩu gạo năm 2022 của Thái Lan ở mức 8 triệu tấn, tăng 31% so với 6.1 triệu tấn năm 2021. Sự suy yếu của đồng baht Thái Lan đã khiến giá gạo xuất khẩu của Thái Lan trở nên hấp dẫn và cạnh tranh. Đồng Baht Thái hiện đã mất giá so với so với USD mạnh nhất 15 năm qua.

Tại Việt Nam, theo USDA, giá gạo của Việt Nam gần đây đã cao hơn một chút so với giá gạo Thái Lan. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng sẽ tăng. Sản lượng sản xuất tích cực trong niên vụ 2022/23 nhờ thuận lợi về thời tiết. Các vùng trọng điểm lúa nước không bị các khó khăn hạn hán hay mưa bão. Việt Nam dự kiến xuất khẩu 6,5 – 6,7 triệu tấn vào năm 2022, tăng 5 - 8%.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2023 có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, cơ hội cho gạo Việt? - Ảnh 2.

Thiên tai, thời tiết bất lợi sẽ đẩy giá gạo tiếp tục tăng mạnh đến giữa năm 2023?

Giá gạo có xu hướng tăng từ sau dịch Covid đến nay do các áp lực như chi phí vận tải, giá phân bón, lao động tăng. 3 nước đang chịu áp lực phải nhập khẩu gạo nhiều hơn gồm: Trung Quốc, Philippines, Bangladesh, chiếm 16% tổng nhu cầu nhập khẩu sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu trong tương lai.

Thời tiết bất lợi làm giảm dự báo sản lượng gạo 2022/23 cho Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tổng nguồn cung xuất khẩu gạo của 3 nước này chiếm 49% tổng xuất khẩu gạo cả thế giới.

Yuanta dự báo giá gạo sẽ chịu áp lực tăng lên trong niên vụ 2022/23 (đến giữa năm 2023). Trong đó, Việt Nam và Thái Lan là hai nước hưởng lợi chính. Tuy nhiên, Thái Lan dự kiến sẽ hưởng lợi hơn Việt Nam do đồng Baht Thái đã mất giá mạnh nhất 15 năm so với USD, tạo sức cạnh tranh về giá.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết, thị trường gạo cuối năm đang có nhiều tín hiệu tích cực khi lượng đơn hàng nhiều hơn. Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường Châu Á tăng 15%, thị trường Châu Âu tăng 10%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn xuất phát từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khủng hoảng Nga-Ukraine cộng thêm hạn hán lan rộng khắp toàn cầu làm thiếu hụt lương thực đã đẩy nhu cầu dự trữ gạo của các nước trên thế giới tăng cao.

Trước nhu cầu xuất khẩu gạo tăng cao, ở trong nước, các địa phương cũng bắt đầu xuống giống vụ Đông Xuân 2023. Theo đó, vụ lúa đông xuân 2022-2023, toàn vùng Nam bộ gieo sạ khoảng 1,58 triệu ha, giảm trên 6.100ha so với vụ đông xuân 2021-2022; trong đó, vùng Đông Nam bộ gieo sạ 80.000ha (tăng khoảng 760ha), vùng Đồng bằng sông Cửu Long gieo sạ khoảng 1,5 triệu ha (giảm trên 6.800ha). 

Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhập khẩu gạo của Mỹ trong năm nay dự kiến đạt 1,3 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với năm ngoái. Như vậy con số này có thể tiếp tục tăng cao kỷ lục là 1,4 triệu tấn trong năm 2023, phần lớn là gạo thơm, gạo đặc sản tới từ châu Á.

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ về gạo thơm, gạo đặc sản tăng đều trong nhiều năm qua vì những sự thay đổi tại khu vực này. Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu gạo châu Á, trong đó có Việt Nam khi gạo nhập khẩu hiện chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo được tiêu thụ tại Mỹ.

Dự báo USDA tháng 10/2022 cho thấy, sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/2023 dự báo sẽ giảm so với dự báo trước đó. Đồng thời, nhập khẩu cũng giảm nhẹ do nhu cầu thấp hơn từ Trung Quốc, Sri Lanka và Ai Cập. Tương tự xuất khẩu cũng thấp hơn, chủ yếu đối với Ấn Độ, Pakistan và Hoa Kỳ.

Trong ngày đầu tuần, giao dịch đều tăng với tất cả các thị trường. Nửa đầu tháng 10, giao hàng đi Trung Quốc tăng mạnh. Philippines và Trung Quốc tiếp tục là 2 thị trường có lượng gạo thông quan mạnh nhất trong tuần.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục