Indonesia nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam

18/03/2023 15:18 GMT+7
Bộ Thương mại Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á này có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để lấp đầy kho dự trữ gạo quốc gia (CBP) vốn đang giảm dần. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam vì Indonesia hiện là thị trường nhập gạo đứng thứ 3 của Việt Nam.

Giá lúa gạo hôm nay 18/3: Thị trường lúa gạo nhộn nhịp, giao dịch nhiều 

Bộ Thương mại Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á này có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo trong năm nay để lấp đầy kho dự trữ gạo quốc gia (CBP) vốn đang giảm dần. Thông báo này được đưa ra sau khi chính phủ nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ các nước gồm Việt Nam, Thái Lan và Pakistan bắt đầu từ tháng 12 năm ngoái.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho hay chính phủ Indonesia đã nhất trí về nội dung trên trong bối cảnh Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog) chỉ còn khoảng 1/4 lượng dự trữ tối thiểu cần thiết là 1,2 triệu tấn.

Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban VI (giám sát các lĩnh vực thương mại, công nghiệp, đầu tư, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, và doanh nghiệp nhà nước) thuộc Hạ viện, Bộ trưởng Thương mại Indonesia nói: “Trong cuộc gặp với Tổng thống, chúng tôi đã quyết định rằng bất cứ khi nào cần, Indonesia có thể nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo. Không nhập thì làm sao đảm bảo nguồn cung?”.

Giá gạo tiếp tục tăng từ đầu năm bất chấp việc nhập khẩu gạo gây tranh cãi bắt đầu từ cuối năm ngoái và các biện pháp can thiệp thị trường mới đây của Bulog. Bảng giá của Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) cho thấy giá gạo cao cấp và gạo chất lượng trung bình lần lượt ở mức 13.500 rupiah (88 xu Mỹ)/kg và 11.820 rupiah (77,04 xu Mỹ)/kg, cao hơn 2% và 19% so với giá trần.

Hồi tháng 2, giá gạo chất lượng cao đã tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 13.521 rupiah/kg, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua. Tương tự, gạo chất lượng trung bình tăng giá 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 11.707 rupiah/kg, cao nhất kể từ năm 2018.

Theo Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), do được sử dụng phổ biến trong ẩm thực địa phương, gạo đóng góp lớn nhất vào tỷ lệ lạm phát so với bất kỳ loại hàng hóa nào khác. Vì vậy, bình ổn giá là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Indonesia.

Trước đó, Bulog đã phân phối khoảng 230.000 tấn gạo, chiếm gần một nửa trong số 500.000 tấn nhập khẩu, để ổn định giá thị trường.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Bulog cam kết tiếp tục phân phối để đáp ứng nhu cầu của các nhà bán lẻ và chợ truyền thống, đồng thời khẳng định giấy phép nhập khẩu sẽ được thực hiện trong tình huống khẩn cấp, ví dụ khi có nhu cầu cấp thiết nhằm giảm bớt hạn chế về nguồn cung.

Ngày 15/3, Chính phủ Indonesia đã tăng trần giá bán lẻ gạo 8% và 15% đối với gạo chất lượng cao cấp và gạo chất lượng trung bình nhằm bù đắp chi phí sản xuất cho nông dân trong bối cảnh giá nhiên liệu được trợ giá tăng cao và thiếu hụt nguồn cung phân bón.

Indonesia nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam - Ảnh 1.

Indonesia nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo, cơ hội lớn cho Việt Nam.

Ông Phạm Thế Cường- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho biết: Ngay từ hồi tháng 2 Indonesia đã có thông báo tiếp tục nhập khẩu gạo dự trữ quốc gia cho dù nước này đã bước vào vụ lúa chính. Lượng gạo dự trữ của Indonesia hiện khá ít - chỉ 600.000 tấn. Trong khi đó, tính đến ngày 17/2/2023 lượng gạo dự trữ phải đạt tối thiểu 1,2 triệu tấn.

Trước tình hình này, Indonesia quyết định tăng lượng dự trữ gạo quốc gia trong năm nay lên 2,4 triệu tấn. Số lượng gạo dự trữ sẽ phải nhập khẩu đang được cân nhắc và dựa vào tình hình thu hoạch lúa thực tế trong vụ tháng 3 và tháng 4 năm nay.

Bộ Nông nghiệp Indonesia dự báo, hiện tượng El Nino có thể gây hạn hán vào tháng 5 và tháng 7 ảnh hưởng đến diện tích và thu hoạch vụ tháng 7 và tháng 8 của nước này.

Ông Phạm Thế Cường cũng cho biết: Sau 3 năm không phải nhập khẩu gạo dự trữ, từ tháng 12/2022- 2/2023, Indonesia đã phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo. Trong đợt nhập khẩu này Việt Nam và Thái Lan là 2 nước cung cấp gạo nhiều nhất cho Indonesia. Chỉ tính riêng tháng 1/2023 Việt Nam đã xuất khẩu sang Indonesia khoảng 86.000 tấn gạo, giá trị chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 2/2023 cả nước xuất khẩu 534.607 tấn gạo, tương đương 286,17 triệu USD, giá trung bình 535,3 USD/tấn, tăng 48,8% về lượng và tăng 53,4% về kim ngạch, và tăng 3,1% về giá so với tháng 1/2023; so với tháng 2/2022 cũng tăng 14% về lượng, tăng 28% kim ngạch và tăng 14,4% về giá.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gạo vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.

Trong tháng 2/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tăng mạnh trên 111,4% về lượng và kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 273.331 tấn, tương đương 140,49 triệu USD; và cũng giảm % về lượng, tăng 117,8% kim ngạch, tăng 3% về giá so với tháng 2/2022.

Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 2/2023 cũng tăng rất mạnh 121,8% về lượng và tăng 117% kim ngạch so với tháng 1/2023, đạt 105.196 tấn, tương đương 61,61 triệu USD; so với tháng 2/2022 cũng tăng 134,4% về lượng, tăng 182,2% kim ngạch.

Tính chung cả 2 tháng đầu năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt trên 893.256 tấn, tương đương gần 472,43 triệu USD, giảm 8,3% về khối lượng, nhưng tăng nhẹ 0,7% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm 2022, giá trung bình đạt 528,9 USD/tấn, tăng 9,8%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 45% trong tổng lượng và chiếm 43,3% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 401.975 tấn, tương đương 204,69 triệu USD, giá trung bình 509,2 USD/tấn, giảm 25,5% về lượng, giảm 18,2% về kim ngạch nhưng tăng 9,7% về giá so với 2 tháng đầu năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 17% trong tổng lượng và chiếm 19% trong tổng kim ngạch, đạt 152.640 tấn, tương đương 90,01 triệu USD, giá trung bình 589,7 USD/tấn, tăng mạnh 86,4% về lượng và tăng 120,5% kim ngạch; giá tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 143.786 tấn, tương đương 67,31triệu USD, giá 468 USD/tấn, tăng mạnh 33.732% về lượng và tăng 30.355% kim ngạch nhưng giảm 10% về giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 14,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 737.657 tấn, tương đương 384,44 triệu USD, tăng 6,9% về lượng, tăng 18% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 41.596 tấn, tương đương 23,5 triệu USD, giảm 39,6% về lượng và giả 31,9% kim ngạch.

Giá lúa gạo hôm nay 18/3 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ổn định so với hôm qua. Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm duy trì ổn định. Hiện giá cám khô ở mức 7.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, giá lúa không có biến động. Cụ thể, nếp An Giang tươi đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 5.900 – 6.300 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 6.700 – 6.800 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, lúa Đài Thơm 8 được mua tại ruộng với giá dao động từ 6.700-6.800 đồng/kg, OM18 từ 7.100-7.300 đồng/kg, OM 5451 từ 6.400-6.600 đồngkg, lúa ĐS 1 từ 7.400-8.000 đồng/kg, ST 25 giá dao động 7.200-7.500 đồng/kg.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Thị trường gạo nội địa sôi động, giá gạo bình ổn. Thị trường lúa Đông Xuân nhộn nhịp, giá ổn định. Trên thị trường gạo, giá gạo các loại bình ổn, giao dịch nhiều.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay chững lại sau phiên điều chỉnh tăng. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 448 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 428 USD/tấn.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng trong tuần này khi nước này xuất khẩu nhiều gạo chủ yếu sang Trung Quốc, trong khi giá gạo tại các nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng bởi sự suy yếu của đồng nội tệ.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 450 USD/tấn vào thứ năm, tăng từ mức 440-445 USD một tuần trước. Giá tăng do các chuyến hàng đến Trung Quốc đang phục hồi, trong khi Indonesia được cho là đang mua thêm để cải thiện dự trữ quốc gia. Cùng với đó, động thái cắt giảm lãi suất chính sách của ngân hàng trung ương vào thứ tư sẽ thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu, bao gồm cả xuất khẩu gạo.

Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,6 - 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD. 

Theo tính toán của Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước đạt trên 13 triệu tấn, tương đương 6,6 - 7 triệu tấn gạo. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: Gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; gạo thơm, đặc sản đạt hơn 2 triệu tấn; số còn lại thuộc nhóm gạo chất lượng trung bình và nếp.

Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý đánh giá, năm 2023 cùng với nền tảng là giá tốt thì xuất khẩu gạo Việt Nam đang có nhiều triển vọng tăng trưởng mạnh. Nhất là khi những bất ổn về kinh tế, chính trị, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết khiến các quốc gia tăng nhu cầu dự trữ lương thực.

Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục