Cung giảm dần, giá lúa gạo nội địa tăng trở lại

26/03/2023 14:02 GMT+7
Trong tuần qua, giá lúa gạo nội địa có xu hướng tăng trở lại khi nguồn cung giảm dần. các thương nhân hy vọng việc giá cả cạnh tranh và nguồn cung gạo dồi dào sẽ thu hút thêm đơn đặt hàng từ những khách hàng lớn.

Giá lúa gạo tăng, thị trường giao dịch sôi động

Giá lúa gạo hôm nay 26/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang. Nhiều địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, giao dịch lúa mới sôi động.

Hiện giá gạo nguyên liệu, thành phẩm ở mức 9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm 10.100 đồng/kg. Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm duy trì ổn định. Hiện giá cám khô ở mức 7.700 đồng/kg, giá tấm ở mức 9.000 đồng/kg.

Với mặt hàng lúa, giá lúa tiếp tục xu hướng đi ngang. Cụ thể, tại kho An Giang, Đài thơm 8 đang được thương lái thu mua tại ruộng ở mức 6.700 – 6.900 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức 6.400 – 6.600 đồng/kg; nếp tươi Long An 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 18 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg; lúa OM 5451 6.400 – 6.600 đồng/kg; nàng hoa 9 6.800 – 7.100 đồng/kg; nếp khô Long An 9.000 – 9.200 đồng/kg, nếp khô An Giang giá dao động 8.400 – 8.600 đồng/kg; lúa IR 504 ở mức; lúa IR 504 khô duy trì ở mức 6.500 đồng/kg.

Tại Sóc Trăng, giá lúa tương đối ổn định mức cao; trong đó, giống RVT giá từ 7.000-7.100 đồng/kg, giống ST24 có giá từ 7.100-7.300 đồng/kg và nhóm giống OM và giống Đài thơm có giá 6.300-6.600 đồng/kg.

Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo về nhiều, giá gạo có xu hướng nhích nhẹ. Nhu cầu mua lúa cắt tháng 4 rất nhiều, giá lúa nếp tăng tiếp, tuy nhiên lượng mua được ít... Giá cám liên tục điều chỉnh tăng, thiếu ghe vận chuyển.

Trong tuần qua, giá lúa gạo nội địa có xu hướng tăng trở lại khi nguồn cung giảm dần do đi vào cuối vụ thu hoạch.

Tại chợ lẻ, giá gạo thường 11.500 đồng/kg – 12.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000 – 16.000 đồng/kg; gạo Sóc thường 14.000 đồng/kg; nếp ruột 14.000 – 15.000 đồng/kg; Gạo Nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Gạo thơm thái hạt dài 18.000 – 19.000 đồng/kg; Gạo Hương Lài 19.000 đồng/kg; Gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; Nàng Hoa 17.500 đồng/kg; Sóc Thái 18.000 đồng/kg; Gạo thơm Đài Loan 20.000 đồng/kg; Gạo Nhật 20.000 đồng/kg; Cám 7.000 – 8.000 đồng/kg.

Cung giảm dần, giá lúa gạo nội địa tăng trở lại - Ảnh 1.

Giá lúa gạo hôm nay 26/3 tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng đi ngang. Nhiều địa phương bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân, giao dịch lúa mới sôi động.

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay không có biến động. Hiện giá gạo 5% tấm đang ở mức 448 USD/tấn; gạo 25% tấm duy trì ở mức 428 USD/tấn.

Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm trong tuần này sau khi nhu cầu giảm do người mua dự đoán giá giảm tiếp nên hoãn mua, trong khi các thương nhân Việt Nam hy vọng giá cả cạnh tranh và nguồn cung ngày càng tăng sẽ thu hút thêm đơn đặt hàng từ những người mua lớn.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 450 USD/tấn trong tuần này. Các doanh nghiệp dự báo, hoạt động giao dịch sẽ tăng trong những tháng tới do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch hiện tại và nhu cầu từ những người mua truyền thống bao gồm Trung Quốc và Philippines. Vụ thu hoạch đông xuân sẽ kết thúc vào cuối tháng 3. Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo Việt Nam vẫn thấp hơn gạo Thái Lan, vì vậy một số thương nhân nước ngoài đang chuyển sang Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của ta đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ

Theo số liệu thống kê của cơ quan Hải quan, trong năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 7,1 triệu tấn với trị giá 3,45 tỷ USD, tăng 13,8% về lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân đạt 486 USD/tấn, giảm 7,7% so với mức bình quân năm 2021.

Châu Á tiếp tục là thị trường khu vực xuất khẩu gạo lớn nhất của ta trong năm 2022, đạt 4,96 triệu tấn, chiếm gần 71% trong tổng lượng xuất khẩu, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2021. Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt gần 1,25 triệu tấn, chiếm 17, 8% tổng lượng xuất khẩu, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ khoảng 2,45% trong tổng lượng xuất khẩu nhưng khu vực thị trường châu Âu đã có tăng trưởng mạnh mẽ lên tới 90,7% so với năm 2021, đạt 172,2 nghìn tấn (xét về lượng không lớn so với các thị trường khu vực khác nhưng giá trị gia tăng lại cao do đây là thị trường tiêu thụ các sản phẩm gạo thơm chất lượng cao của Việt Nam).

Bước sang tháng 1/2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 359.310 tấn gạo, mang lại 186,6 triệu USD, giá xuất khẩu trung bình 519,3 USD/tấn.

So với tháng 1 năm 2022, giảm 29% về số lượng, giảm 24,2% trị giá nhưng tăng 6,8% về giá xuất khẩu. Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 vẫn tiếp tục chiếm lĩnh các thị trường trọng điểm có nhu cầu tiêu thụ lớn về sản lượng.

Tháng đầu năm 2023, Philippines vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, chiếm 35% tổng lượng xuất khẩu gạo của cả nước (lượng đạt trên 129.323 tấn), giảm 44,7% so với cùng kỳ năm 2022 (do trong tháng 01 có hai kỳ nghi lễ kéo dài là Tết Dương lịch và Tết Nguyên đản). Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc chiếm trên 13,2% trong tổng lượng với số lượng 47.424 tấn, tăng 13,2% với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng đã phục hồi trở lại sau tác động của dịch Covid-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do yếu tố khó khăn từ các thị trường như tình trạng lạm phát gia tăng tại các khu vực tiêu thụ lớn như Hoa Kỳ, EU; biến động địa chính trị giữa các nước. Tuy nhiên, công tác điều hành xuất khẩu gạo đã bám sát mục tiêu tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân và bảo đảm lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước. Giá thóc, gạo nội địa đã duy trì ở mức đảm bảo có lãi cho người nông dân.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đang đi đúng định hướng, chủng loại gạo trắng thường vẫn chiếm tỷ trọng ổn định (dưới 45% tổng lượng gạo xuất khẩu), tiếp đến gạo thơm và gạo nếp chiếm trên 45% tổng lượng gạo xuất khẩu. Ngoài ra xuất khẩu gạo hữu cơ và gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng tuy với tỷ trọng còn khiêm tốn nhưng đã làm đa dạng chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam và khẳng định được giá trị hạt gạo xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến ngày 15/2/2023, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2023, bằng với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, tăng 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.

Năm 2023, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Cung giảm dần, giá lúa gạo nội địa tăng trở lại - Ảnh 2.

Năm 2023, dự báo xuất khẩu gạo Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD.

Được biết, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong báo cáo mới đây (tháng 2/2023) đã dự báo sản lượng gạo toàn cầu năm 2022/23 ở mức 503,0 triệu tấn (quy xay xát), hầu như không thay đổi so với dự báo tháng trước đó nhưng thấp hơn 2% so với mức kỷ lục của năm trước và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2015/16.

Theo đó, sản lượng gạo toàn cầu năm nay dự báo thấp nhất kể từ năm 2019/20. Cụ thể, nâng dự báo về sản lượng của Bangladesh, Sri Lanka, Thái Lan và Uzbekistan, song hạ dự báo về sản lượng của Argentina, Brazil, Cuba, Liên minh Châu Âu và Việt Nam.

Tổng cung gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 trong báo cáo tháng 2/2023 được điều chỉnh tăng 0,2 triệu tấn so với báo cáo tháng trước đó, lên 686,3 triệu tấn, song vẫn thấp hơn 2% so với kỷ lục của năm trước và là mức nhỏ nhất kể từ niên vụ 2019/20. Đây là lần đầu tiên nguồn cung gạo toàn cầu giảm kể từ vụ 2004/05.

Dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2022/23 được điều chỉnh tăng 1,1 triệu tấn so với báo cáo tháng trước, lên 517,2 triệu, song vẫn thấp hơn 2,7 triệu tấn so với mức tiêu thụ kỷ lục của năm trước. Bangladesh, Trung Quốc và Thái Lan chiếm phần lớn trong tổng mức điều chỉnh tăng dự báo về tiêu thụ gạo thế giới năm 2022/23. Trái lại, USDA hạ dự báo về tiêu thụ của Brazil, Indonesia, Mali và Tanzania.

Về thương mại gạo thế giới, USDA đã hạ 0,2 triệu tấn dự báo về thương mại gạo toàn cầu trong năm 2023 xuống còn 54,2 triệu tấn, thấp hơn gần 4% so với mức kỷ lục của năm trước và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2019. So với năm 2022, xuất khẩu gạo của Argentina, Brazil, Campuchia, Liên minh châu Âu, Ấn Độ , Lào, Malaysia, Pakistan, Paraguay, Nga, Tanzania, Mỹ, Uruguay và Việt Nam dự báo sẽ giảm. Trái lại, xuất khẩu của Australia, Myanmar và Thái Lan dự kiến sẽ tăng.

Nhập khẩu gạo của một số thị trường trong năm 2023 dự báo sẽ giảm so với năm 2022, bao gồm: Afghanistan, Angola, Australia, Bangladesh, Benin, Campuchia, Canada, Chile, Trung Quốc đại lục, Costa Rica, Bờ Biển Ngà, Ai Cập, Guinea, Iran, Iraq, Kenya, Madagascar, Mali, Mexico, Nigeria, Philippines, Senegal, Somalia, Sri Lanka, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Uzbekistan và Việt Nam. Ngược lại, nhập khẩu của một số thị trường được dự báo sẽ tăng, bao gồm: Congo, Ecuador, Liên minh Châu Âu, Gambia, Ghana, Guinea-Bissau, Haiti, Indonesia, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Kuwait, Libya, Nepal, Niger, Oman, Panama, Peru, Nam Phi, Thụy Sĩ, Syria, Tanzania, Thái Lan, Ukraine, Mỹ và Venezuela. Nhập khẩu của Mỹ và EU dự kiến sẽ cao kỷ lục trong năm 2023.

Dự báo về tồn trữ gạo thế giới cuối vụ 2022/23 trong báo cáo lần này được USDA hạ 0,85 triệu tấn xuống 169,1 triệu tấn, thấp hơn 8% so với cùng kỳ năm trước và là năm giảm thứ hai liên tiếp. Đây sẽ là năm tồn trữ gạo toàn cầu thấp nhất kể từ niên vụ 2017/18. Trong đó, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm phần lớn mức giảm dự báo về tồn trữ gạo thế giới, trong khi dự báo về tồn trữ của Indonesia, Thái Lan và Việt Nam được điều chỉnh tăng.


Nguyễn Phương
Cùng chuyên mục