Xuất khẩu năm 2021 đạt trên 3 tỷ USD, ngành cao su trở lại thời "hoàng kim"

10/01/2022 08:29 GMT+7
Năm 2021, xuất khẩu của ngành cao su đã cán đích với 3,24 tỷ USD, tăng 36,2% so với năm 2020. Kết quả này không những là "kỷ lục" mới, mà còn đưa ngành cao su trở lại "thời hoàng kim" sau 10 năm "lao đao" vì giá xuất khẩu bấp bênh...

Năm 2011, do giá cao su xuất khẩu tăng cao kỷ lục, xuất khẩu cao su đã lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD, khi đạt hơn 3,2 tỷ USD. Tuy nhiên, trong suốt 9 năm sau đó, do giá cao su quay đầu giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu cao su đã mất mốc 3 tỷ USD, thậm chí có những năm xuống dưới 2 tỷ USD. Đến năm 2020, nhờ giá tăng, kim ngạch xuất khẩu cao su đã hồi phục về con số 2,38 tỷ USD.

TĂNG TRƯỞNG MẠNH Ở HẦU HẾT THỊ TRƯỜNG CHỦ LỰC

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cao su năm 2021 đạt 1,93 triệu tấn, đem về 3,24 tỷ USD. Nhờ giá cao su liên tục tăng cao nên dù lượng cao su xuất khẩu chỉ tăng 11,7% so với năm 2020, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng đến 36,2% so với năm 2020.

Với vị trí thứ 3 toàn cầu về giá trị xuất khẩu, cao su Việt Nam đã có mặt tại hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh việc giá cao su xuất khẩu tăng mạnh, thành công của xuất khẩu cao su trong năm 2021 còn đến từ việc cao su Việt Nam đang ngày càng thâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường quan trọng.

Xuất khẩu cao su trong năm 2021 tăng trưởng mạnh ở nhiều thị trường quan trọng như Mỹ, EU, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ … Trong 10 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ tăng 96,4% về lượng và 153,6% về trị giá; sang Hàn Quốc tăng 57,8% về lượng và 95,2% về trị giá; sang Mỹ tăng 80,5% về lượng và 130% về trị giá; sang Đức tăng 79% về lượng và 129,7% về trị giá …

Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường lớn nhất của cao su Việt Nam. Trong năm 2021, xuất khẩu cao su sang thị trường này vẫn ổn định. Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,2 triệu tấn cao su, trị giá 1,96 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2021; tăng 1,71%% về lượng và tăng 26,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần của cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc tăng đáng kể trong năm 2021.

Cụ thể, trong 10 tháng năm 2021, kim ngạch nhập khẩu cao su của Trung Quốc đạt 10,14 tỷ USD, trong đó Việt Nam là nguồn cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,69 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc trong 10 tháng năm 2021 chiếm 16,7%, tăng mạnh so với mức 14,9% của 10 tháng năm 2020.

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 10 tháng năm 2021, Ấn Độ nhập khẩu 969,34 nghìn tấn cao su (mã HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 1,93 tỷ USD, tăng 38,1% về lượng và tăng 72,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng năm 2021, Việt Nam là thị trường lớn thứ 3 cung cấp cao su cho Ấn Độ với 82,59 nghìn tấn, trị giá 157,15 triệu USD, tăng 53,5% về lượng và tăng 101,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 8,5% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, tăng so với mức 7,7% của cùng kỳ năm 2020.

NGÀNH CAO SU VIỆT CẦN CHUYỂN ĐỔI NHANH HƠN

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, cao su luôn nằm trong nhóm những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Đặc biệt trong năm 2021, xuất khẩu cao su vẫn đạt được mức tăng trưởng ấn tượng bất chấp dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đặc biệt, nhiều sản phẩm chế biến từ ngành công nghiệp cao su: xăm lốp, găng tay, gioăng cao su… đã được chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của ngành.

VRA nhận định, tình trạng khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su trong năm 2021 và có thể cả ở năm 2022 sẽ khiến giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao, sẽ cho Việt Nam hưởng lợi kép cả về sản lượng xuất đi và giá trị kim ngạch thu về.

Nguồn cung cao su thiên nhiên toàn cầu dự kiến sẽ thiếu hụt do ảnh hưởng bởi mùa mưa kéo dài ở một số nước châu Á cuối năm 2021. Trong khi triển vọng về nhu cầu cao su thiên nhiên có thể chịu rủi ro liên quan đến biến thể mới và khả năng tái bùng phát dịch Covid-19 trong mùa đông.

Theo Hiệp hội Các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 sẽ tăng gần 9% so với năm 2020, lên hơn 14 triệu tấn. Tuy nhiên, qua thống kê sơ bộ, sản lượng cao su tự nhiên thế giới chỉ đạt khoảng 13,8 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Như vậy, thế giới đã thiếu hụt 329.000 tấn cao su tự nhiên trong năm 2021.

Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng cao su trong năm 2022. Vì vậy, triển vọng ngành cao su năm 2022 sẽ vẫn rất sáng sủa, giá bán sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

"Trong trạng thái “bình thường mới” tiếp theo sau đại dịch, ngành cao su Việt Nam phải chấp nhận cạnh tranh và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả 3 vấn đề: kinh tế, xã hội và môi trường. Đây sẽ là hướng đi tương lai mà doanh nghiệp cao su cần có sự chuẩn bị sẵn sàng để thích ứng kịp thời và hiệu quả".

Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA).

Tuy vậy, nhận định trong những năm tiếp theo, tình hình thế giới, khu vực được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường như: kinh tế tăng trưởng chậm; chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn; xu hướng tăng cường sử dụng hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện, yêu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm bền vững…

Hiện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phát triển ngành cao su Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu theo hướng bền vững.

Với những xu hướng trên đặt ra yêu cầu đối với các doanh nghiệp trong ngành cao su Việt Nam cần phải thực hiện các quá trình chuyển đổi nhanh chóng hơn, nhằm thích ứng với tình hình mới. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Chu Khôi
Cùng chuyên mục