Những điều này sẽ tác động đến giá và thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam trong năm 2022
Kết thúc năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt giá trị 3,313 tỷ USD, sản lượng 1,975 triệu tấn, tăng 39% về giá trị và tăng 12,86% về sản lượng. Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các Bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022.
Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.
Cao su Việt Nam có tiếp tục được hưởng lợi về giá trong năm 2022?
Giá cao su ngày 31/12-ngày cuối cùng của năm 2021 đã tăng mạnh tại sàn Osaka và Thượng Hải. Thị trường tăng đồng loạt nhờ nhu cầu tiêu thụ cao su cuối năm 2021 tăng.
Tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su ngày 31/12/2021, lúc 11h00, kỳ hạn tháng 6/2022, tăng nhẹ lên mức 234,0 JPY/kg, tăng nhẹ 0,4 yên, tương đương 0,17%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng mạnh 40 CNY, lên mức 14.550 CNY/tấn, tương đương 0,28%.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng do giá dầu và giá cao su trên sàn Thượng Hải tăng mạnh kéo theo nhu cầu tiêu thụ tăng.
Nguồn cung cao su toàn cầu vẫn bị thắt chặt phần lớn do các trận mưa lũ bất thường đã ảnh hưởng đến các vùng trồng cao su chính ở Ấn Độ, Thái Lan và Malaysia.
Trong đó, Thái Lan và các vùng trồng cao su chính của Malaysia đã trải qua mùa mưa kéo dài do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina.
Mặt khác, việc nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 như mở lại biên giới quốc tế của một số quốc gia và nối lại các hoạt động kinh tế hơn đã góp phần đáng kể vào hoạt động xuất khẩu cao su tại châu Á.
Theo báo cáo mới nhất của Hiệp hội các nước Sản xuất Cao su tự nhiên (ANRPC), triển vọng nhu cầu thế giới về cao su tự nhiên năm 2021 ước tính tăng 8,3% so với năm 2020, lên 14,028 triệu tấn.
Dựa trên những ước tính sơ bộ từ các nước thành viên sản lượng cao su tự nhiên thế giới được điều chỉnh lên 13,836 triệu tấn, tăng 1,8% so với năm 2020. Theo số liệu cho thấy, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 192 nghìn tấn cao su tự nhiên khi bắt đầu bước sang năm 2022.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada... tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
Ngoài ra, nhờ đầu tư kỹ thuật chăm sóc cao su tốt hơn so với các nước, những năm qua, bệnh nấm lá không còn ảnh hưởng nhiều đến năng suất của cao su Việt Nam. Trong khi đó, có khoảng 0,6 triệu ha cao su trưởng thành ở các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Srilanka, Ấn Độ, Trung Quốc… bị hư hại. Ngoài ra, mưa trái mùa cũng làm gián đoạn việc thu hoạch mủ ở Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.
Vì những lý do trên dự báo, giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần, vì thế xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.
Để đảm bảo được chất lượng cao su, đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber”. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt Nam.
Dù Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên. Các công ty cao su Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Được biết, hiện dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp tại các tỉnh trồng nhiều cây cao su như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Phước, do đó đã ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất.
Hiện nay, sản phẩm của 260.000 hộ trồng cao su tiểu điền đang có vị trí quan trọng trong xuất khẩu bởi chiếm đến 51% tổng diện tích cao su cả nước, chiếm gần 62% tổng lượng mủ được khai thác trên cả nước. Thế nhưng, theo nhiều chuyên gia, với hơn 80% hộ có diện tích trồng cao su nhỏ từ 0,8-1,5ha, hầu hết đều hạn chế về kỹ thuật sản xuất, chưa tuân thủ quy định hướng tới phát triển bền vững nên chất lượng cao su của các hộ này thiếu tính ổn định và không đồng đều. Việc này đã khiến giá bán cao su của Việt Nam thường thấp hơn so với các quốc gia khác. Bên cạnh đó, nhiều hộ tiểu điền thiếu thông tin về nhiều khâu trong chuỗi cung ứng, hay tiêu chuẩn về chất lượng đối với nguồn mủ cao su nguyên liệu đầu vào nên có thể tạo ra các rủi ro cho ngành cao su Việt Nam khi tham gia thị trường xuất khẩu trong tương lai.