Xuất khẩu rau quả 6 tháng cuối năm: Vẫn "trông" vào thị trường Trung Quốc
Đại dịch Covid-19 đến kéo theo sự sụt giảm của toàn bộ nền kinh tế. Lần đầu tiên trong nhiều năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm so với cùng kì. Tuy nhiên thị trường này vẫn đầy kì vọng khi hoa quả Việt đã chạm chân đến nhiều thị trường khó tính.
Tháng 6/2020, vải thiều chính thức có mặt trong hệ thống siêu thị tại Nhật Bản, Singapore. Trái chuối Việt Nam cũng lần đầu tiên có mặt tại thị trường bán lẻ Hàn Quốc. Trên 2.400 ha nhãn của tỉnh Sơn La đã được cấp 92 mã số vùng, trong đó có 34 mã số vùng trồng xuất sang các nước Mỹ, Úc và 58 mã số xuất khẩu sang Trung Quốc…
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, ước tính xuất khẩu hàng rau quả trong tháng 6/2020 đạt 300 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế, xuất khẩu hàng rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Về thị trường, số liệu tập hợp đến 5 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc chỉ đạt 60,4% thị phần, trị giá 906,1 triệu USD, giảm 30,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019 (đạt 1,3 tỷ USD).
Tuy nhiên xuất khẩu rau quả sang nhiều thị trường khác ghi nhận mức tăng trưởng cao như: Thái Lan đạt 68 triệu USD, tăng 233,4% so với cùng kỳ năm 2019; Hàn Quốc đạt 67,4 triệu USD, tăng 21,9%; Hoa Kỳ đạt 62 triệu USD, tăng 6,2%; Nhật Bản đạt 57,7 triệu USD, tăng 15,7%...
Sự sụt giảm tại thị trường Trung Quốc chưa thể bù đắp hết được, nhưng sự xuất hiện nông sản Việt tại các thị trường mới rất đáng để kì vọng. Cuối tháng 6, chuối trồng tại Lơ Pang, Gia Lai xuất hiện tại chuỗi hơn 80 đại siêu thị Lotte ở Hàn Quốc.
Chủ tịch HAGl Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) cho biết, tất cả nông sản công ty xuất vào các thị trường nước ngoài đều theo đường chính ngạch, không đi theo đường tiểu ngạch. Đối với thị trường chủ lực là Trung Quốc, mục tiêu của công ty cũng chỉ nhắm đến các thành phố lớn, phát triển như: Thượng Hải, Đại Liên...
Khi chất lượng hàng hóa đã vào các thị trường này thì cơ hội giữa các đối thủ là ngang nhau và có thể cạnh tranh sòng phẳng với bất kỳ thương hiệu nào, đồng thời không lo bị ép giá.