10 năm tới, cần 320 tỷ USD để phát triển điện
Ngày 9/2, Bộ Công Thương đã có Văn bản 828/BCT-ĐL xin ý kiến các bộ ngành về dự thảo đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Trong dự thảo, Bộ Công Thương dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đạt bình quân 6,6%/năm, giai đoạn 2031-2045 bình quân 5,7%/năm. Dự báo điện thương phẩm năm 2030 đạt 491 tỷ kWh, năm 2045 đạt 877 tỷ kWh. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP đạt 1,13 lần năm 2030 và giảm xuống 0,85 lần năm 2045 (năm 2020 hệ số này là 1,2).
Dự kiến tới năm 2030, tổng công suất đặt nguồn điện của Việt Nam đạt 137,2 GW (trong đó nhiệt điện than là 27%; nhiệt điện khí 21%; thuỷ điện 18%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác 29%, nhập khẩu khoảng gần 4%; thuỷ điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng gần 1%).
Đến năm 2045 tổng công suất đặt của nguồn điện đạt gần 276,7 GW (trong đó nhiệt điện than là 18%; nhiệt điện khí 24%; thuỷ điện 9%; điện gió, mặt trời và năng lượng tái tạo khác trên 44%, nhập khẩu khoảng gần 2%; thuỷ điện tích năng và các loại thiết bị lưu trữ năng lượng khác khoảng 3%).
Cơ cấu nguồn điện cho thấy quy hoạch điện VIII khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo (ngoài thuỷ điện), từ khoảng 13% năm 2020 lên tới gần 30% năm 2030 và 44% năm 2045. Đây là xu hướng phù hợp với sự phát triển của trên thế giới.
Về chương trình phát triển lưới điện, quy hoạch điện VIII đề xuất tiếp tục xây dựng hệ thống truyền tải điện 500 kV để truyền tải điện từ các trung tâm nguồn điện lớn tại Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Bắc Trung Bộ về các trung tâm phụ tải lớn tại TP.HCM và đồng bằng sông Hồng. Tăng cường lưới điện truyền tải liên kết để hỗ trợ truyền tải công suất điện liên miền Bắc - Trung - Nam.
Vấn đề truyền tải điện bằng đường dây một chiều cũng đã được đặt ra và nghiên cứu, xem xét trong quy hoạch điện VIII. Theo đó, giai đoạn 2021-2030 cần xây dựng thêm tổng cộng khoảng 86 GVA công suất trạm 500 kV và gần 13.000 km ĐZ. Giai đoạn 2031-2045 cần xây dựng thêm khoảng 103 GVA công suất trạm 500 kV và gần 6.000 km ĐZ. Lưới điện 220 kV tương ứng cần xây dựng 95 GVA, gần 21.000 km ĐZ và 108 GVA, hơn 4.000 km ĐZ.
Với chương trình phát triển lưới điện này, Bộ Công Thương cho rằng lưới điện của Việt Nam sơ bộ đáp ứng được tiêu chí N-1 đối với cung cấp điện cho các phụ tải, tiêu chí N-2 đối với các phụ tải đặc biệt quan trọng.Đặc biệt, việc áp dụng lưới điện thông minh, áp dụng công nghệ 4.0 trong truyền tải điện cũng được nghiên cứu, tính toán và đề xuất trong quy hoạch điện.
Do đó, Bộ Công Thương cho rằng với nhu cầu phát triển lưới điện trên, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 khoảng 128,3 tỷ USD. Trong đó chi phí cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74 và 26%. Giai đoạn 2021-2030, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,5 tỷ USD cho nguồn và 3,3 tỷ USD cho lưới).
Tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2031-2045 khoảng 192,3 tỷ USD. Trong đó, chi phí cho nguồn điện là 140,2 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 73 và 27%. Giai đoạn 2031-2045, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD (9,3 tỷ USD cho nguồn và 3,4 tỷ USD cho lưới).
Chi phí biên bình quân cho phần nguồn sản xuất điện là 8,8 UScent/kWh (tương đương 2.024 đồng/kWh). Giai đoạn 2021-2030 và 9,6 UScent/kWh (tương đương 2.208 đồng/kWh). Giai đoạn 2021-2045, chi phí biên bình quân đến lưới phân phối là 11,4 UScent/kWh (tương đương 2.622 đồng/kWh) giai đoạn 2021-2030 và 12,3 UScent/kWh giai đoạn 2021-2045 (tương đương 2.829 đồng/kWh).