10 thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, thị phần của Việt Nam là bao nhiêu?
Theo Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), trong các tháng năm 2021, nhập khẩu cao su của hầu hết các thị trường lớn đều tăng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó tăng mạnh nhất là các thị trường như: Malaysia, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Nhật Bản, Mỹ ...
Điều đáng chú ý là nhập khẩu cao su từ Việt Nam của 10 thị trường nhập khẩu lớn nhất đều tăng rất mạnh về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, 11 tháng năm 2021, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, với 11,35 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 2 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,7% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2021, tăng so với mức 15,5% của cùng kỳ năm 2020.
11 tháng năm 2021, Mỹ nhập khẩu cao su trị giá 4,192 tỷ USD, nhập khẩu từ Việt Nam đạt 76,4 triệu USD, tăng 130,6%.
Trong 11 tháng năm 2021, nhập khẩu cao su của Ấn Độ đạt 1,93 tỷ USD, tăng 47,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, Ấn Độ nhập khẩu cao su từ Việt Nam đạt 204,6 triệu USD, tăng 137,5% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 9,4% trong tổng trị giá nhập khẩu cao su của Ấn Độ trong 11 tháng năm 2021, tăng so với mức 6,9% của cùng kỳ năm 2020.
Tại các thị trường còn lại trong Top 10, nhập khẩu cao su từ Việt Nam có mức tăng từ 40,7-98,5% về trị giá trong các tháng của năm 2021.
Năm 2021, thị trường cao su thế giới gặp khó khăn do thị trường ô tô toàn cầu gặp khủng hoảng chip bán dẫn, nhập khẩu cao su từ Trung Quốc chậm lại bởi chính sách “Zero Covid” của nước này, sự mạnh lên của đồng USD trong thời gian qua… Vì vậy, phần lớn thời gian giá cao su trong năm 2021 đi ngang hoặc giảm, mặc dù cũng có vài đợt tăng, nhưng không kéo dài quá 1 tháng.
Năm 2022, thị trường kỳ vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, sau khi các ngân hàng trung ương lớn tung ra các gói cứu trợ, giá cao su thế giới có thể sẽ tăng trong quý I/2022 do nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu dự kiến thiếu hụt bởi nguồn cung cao su Đông Nam Á đang bị thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản lượng mủ tự nhiên. Trong khi đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang gặp khó khăn do dịch bệnh, các cảng biển hoạt động khó khăn khi tình trạng thiếu container khá trầm trọng.
Năm 2021 là một năm sóng gió với ngành cao su Việt Nam. Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến từ hoạt động sản xuất mủ cao su, đến chế biến gỗ cao su, nhưng ngành cao su Việt Nam đã nỗ lực khắc phục và tiếp tục tiến đến mục tiêu phát triển bền vững đề ra trong năm 2022.
Năm 2022, Việt Nam có khả năng hưởng lợi kép cả về lượng xuất khẩu và trị giá do thế giới vẫn khan hiếm nguồn nguyên liệu cao su, giá mủ cao su tiếp tục tăng hoặc neo ở mức cao.
Các nền kinh tế lớn đồng thời cũng là các thị trường tiêu thụ cao su trọng điểm của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ đã ghi nhận dấu hiệu phục hồi. Từ đó dẫn tới việc gia tăng nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên để phục vụ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp.
Mức cầu cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục gia tăng trong khi sản lượng thế giới đang có xu hướng giảm nhẹ do ảnh hưởng của các biện pháp giãn cách xã hội làm gián đoạn hoạt động khai thác, đóng cửa nhiều nhà máy.
Ngoài ra, điều kiện thời tiết khắc nghiệt như lũ lụt, mưa trái mùa và một số bệnh trên cây cao su tác động đến sản lượng tại một số quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan.
Bên cạnh đó, giá dầu - nguyên liệu đầu vào sản xuất cao su tổng hợp đi lên, kéo theo giá vật liệu này tăng, điều này cũng là một trong những yếu tố hỗ trợ cho giá cao su thiên nhiên xuất khẩu tăng cao.
Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường đã tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành cao su, làm gián đoạn thời gian trồng tái canh cao su trong năm và nhiều hoạt động khác tại Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã cố gắng đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra an toàn. Khi trạng thái "bình thường mới" dần được thiết lập, các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, vượt mức kế hoạch sản lượng, tạo động lực "tăng tốc" và "về đích" so với mục tiêu hàng năm.
Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp khó khăn, các doanh nghiệp đã nâng cao tỷ lệ sử dụng cao su nội địa cho việc sản xuất sản phẩm cao su có giá trị xuất khẩu cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng của ngành.
Ngoài ra, các vườn cao su trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao chất lượng, đạt chuẩn quy định của ngành.
Đồng thời, nhằm đáp ứng xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng quốc tế, ngành cũng đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững, thúc đẩy việc đạt các chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ chuỗi hành trình cho các vườn cây cao su, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hiệp hội Cao su Việt Nam đang đẩy mạnh việc cấp nhãn hiệu chứng nhận Cao su Việt Nam/Việt Nam Rubber. Đây là một trong những việc làm cần thiết bên cạnh việc nâng chất lượng trồng và chế biến cao su nhằm hướng đến xây dựng thương hiệu cho cao su Việt.
Tính đến ngày 16/12/2021, đã có 82 sản phẩm của 29 nhà máy thuộc 17 doanh nghiệp được Hiệp hội cấp quyền sử dụng nhãn hiệu "Cao su Việt Nam".
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), trong năm 2021, Việt Nam vẫn đứng vị trí thứ 3 về sản lượng và xuất khẩu, chỉ sau Thái Lan, Indonesia.
Tuy nhiên, năng suất của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 1,6 tấn/ha, trở thành nước đứng đầu châu Á về năng suất cây cao su, vượt các nước sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia…
Theo tính toán từ số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 1,95 triệu tấn, trị giá 3,27 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và tăng 37,5% về trị giá so với năm 2020. Xuất khẩu cao su trong năm 2021 đã lập một kỷ lục mới về trị giá trong lịch sử ngành cao su Việt Nam.
Dự báo, năm 2022, xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục tăng khi nhu cầu nhập khẩu cao su của các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, châu Âu được dự báo tiếp tục tăng khi kinh tế các nước này hồi phục sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) dự báo, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần.
Trong tháng 01/2022, giá cao su trong nước có xu hướng tăng nhẹ, giá mủ cao su tiểu điền được các thương lái thu mua dao động quanh mức 290-350 đồng/độ TSC. Tại Bình Phước giá thu mua mủ nước của Công ty cao su Phú Riềng dao động ở mức 300- 340 đồng/độ TSC. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 348 -350 đồng/độ TSC. Tại Đồng Nai, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu dao động ở mức 323 đồng/độ TSC.