2 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận mới năm 2021

14/01/2021 10:32 GMT+7
Rất nhiều người mua bán đất (chuyển nhượng quyền sử dụng đất) quan tâm đến việc được cấp Giấy chứng nhận (Sổ đỏ) mới. Dưới đây là chi tiết 2 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận mới.

2 trường hợp được cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Khoản 2 Điều 17 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT quy định các trường hợp đăng ký biến động được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bao gồm:

"…

i) Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà trên trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi;

k) Các trường hợp đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại các điểm a, b, e, g, h, l, m, n và r Khoản 1 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu cấp mới Giấy chứng nhận".

Theo quy định trên thì khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở sẽ được cấp Giấy chứng nhận mới để đứng tên người nhận chuyển nhượng nếu thuộc một trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Người nhận chuyển nhượng có nhu cầu cấp mới.

Trong đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất thì sau khi khai hết 06 mục thông tin đầu tiên, người làm hồ sơ sẽ tích vào một trong hai ô sau: Ô 1 “có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới” hoặc ô 2 “không có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận mới”.

Như vậy, người nhận chuyển nhượng muốn có Giấy chứng nhận mới phải tích vào ô 1.

2 trường hợp được cấp Giấy chứng nhận mới năm 2021 - Ảnh 1.

Việc được cấp Giấy chứng nhận mới hay không sẽ không ảnh hưởng đến quyền của người nhận chuyển nhượng nếu chuyển nhượng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Khi cấp Giấy chứng nhận mới thì phải nộp thêm lệ phí cấp Giấy chứng nhận (dù các tỉnh thành có mức thu khác nhau nhưng đều thu dưới 100.000 đồng/giấy/lần cấp).

Trường hợp 2: Mặc dù không có nhu cầu cấp mới nhưng tại trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thông tin chuyển nhượng.

Khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ diện tích đất hoặc thừa kế, tặng cho, góp vốn; hòa giải hành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; đăng ký thế chấp, xóa đăng ký thế chấp… thì những thông tin biến động đó đều được ghi vào Giấy chứng nhận.

Khi trang 4 của Giấy chứng nhận đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thông tin biến động (chuyển nhượng, tặng cho,…) thì sẽ được cấp Giấy chứng nhận mới dù trong đơn đăng ký biến động không có yêu cầu.

Chuyển nhượng nhà đất được thực hiện thế nào?

Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà ở (gọi tắt là chuyển nhượng nhà đất) kéo dài từ khi các bên ký hợp đồng cho đến khi đăng ký vào sổ địa chính. Hay nói cách khác, việc chuyển nhượng chỉ có hiệu lực khi đăng ký vào sổ địa chính.

Để việc chuyển nhượng nhà đất hợp pháp cần thực hiện tuần tự theo 03 bước sau:

Bước 1: Công chứng hoặc chứng thực hợp đồng chuyển nhượng.

Bước 2: Kê khai nghĩa vụ tài chính (lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân).

Lưu ý: Dù được miễn lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân thì vẫn phải khai thuế, phí để Nhà nước quản lý.

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký biến động để ghi thông tin vào sổ địa chính.


A.Vũ
Cùng chuyên mục