216 nghìn tỷ đổ về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD bật tăng

28/02/2023 08:21 GMT+7
Thống kê cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng hơn 216 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở chỉ trong vòng 20 ngày vừa qua.

216 nghìn tỷ đổ về Ngân hàng Nhà nước, dự báo "sốc" về lãi suất điều hành

Xu hướng rút ròng tiếp tục được duy trì thông qua kênh hoạt động thị trường mở trong tuần qua (từ ngày 20/2 – 24/2).

Cụ thể, thống kê từ Bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy 140,55 nghìn tỷ đồng được phát hành trên kênh tín phiếu, ở kỳ hạn 7 và 91 ngày, trong đó kỳ hạn 7 ngày phát hành 91,5 nghìn tỷ đồng và kỳ hạn 91 ngày là 44 nghìn tỷ. Lãi suất trúng thầu tăng lên 6% ở cả 2 kỳ hạn về cuối tuần.

Bên cạnh đó, trong tuần, thanh khoản tại một số ngân hàng thương mại (NHTM) cũng gặp khó khăn sau sự kiện liên quan trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và có 10,7 nghìn tỷ trên kênh mua kỳ hạn được thực hiện.

Kết tuần, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng 43,7 nghìn tỷ trên kênh thị trường mở. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố tăng nhẹ lên 31,7 nghìn tỷ đồng, trong khi đó khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu là 160,55 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, đây là tuần thứ 3 liên kết Ngân hàng Nhà nước hút ròng trên kênh thị trường mở. Trong 2 tuần trước, khối lượng hút ròng lần lượt là 30 nghìn tỷ 142,4 nghìn tỷ đồng. Tổng cộng, trong vòng 20 ngày, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tổng cộng hơn 216 nghìn tỷ đồng trên thị trường mở.

216 nghìn tỷ đổ về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD bật tăng - Ảnh 1.

Nguồn: SSI

Các chuyên gia đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đang từng bước quay lại xu hướng hút ròng trên kênh thị trường mở, nhằm đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 lên cao hơn so với lãi suất USD, tạo khoảng cách an toàn chuẩn bị cho cuộc họp Fed vào tháng 3 tới đây.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn đảo chiều tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn, kết tuần ghi nhận tại 6,0% (tăng 140 điểm so với tuần liền trước) ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD duy trì ở trạng thái dương.

Tại thị trường dân cư, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay niêm yết tại nhiều ngân hàng đã có điều chỉnh nhẹ, nhưng nhìn chung vẫn ở mức cao so với nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Ở chiều huy động, mức lãi suất niêm yết cao nhất dành cho khách hàng có nhân tại các NHTMCP là 9,5%/năm (giảm 50-100 điểm cơ bản so với thời kỳ cao điểm vào cuối năm 2022) và 7,4%/năm tại 4 ngân hàng quốc doanh.

Trong khi đó, lãi suất niêm yết dành cho khối khách hàng tổ chức chưa có nhiều sự thay đổi, dao động từ 6,5-8,5%/năm ở kỳ hạn 12 tháng.

Trên thị trường hiện có một số chương trình hỗ trợ giảm lãi suất cho vay (giảm từ 1-2%/năm) từ các NHTM được công bố (Agribank, BIDV, MBB,…), tuy nhiên, điều này mới chỉ xuất hiện ở phạm vi nhỏ, với từng sản phẩm được thiết kế riêng dành cho một số nhóm ngành cụ thể.

Mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường cho doanh nghiệp sản xuất thông thường đang dao động ở mức 10-10,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 11-12%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, trong khi lãi suất vay tiêu dùng đã được đẩy lên mức 14-16%/năm.

Trong báo cáo phát hành mới đây chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Maybank cũng cho biết, theo ước tính của họ, lãi suất thế chấp hiện tại đang tăng áp lực lên thanh toán thế chấp của các hộ gia đình và sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu về thế chấp, nhà ở và tiêu dùng.

Cũng theo Maybank, lãi suất vẫn ở mức không lành mạnh sau các đợt tăng lãi suất chính sách mạnh mẽ 200 điểm cơ bản từ tháng 9 - tháng 10/2022. Với việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, nhu cầu bổ sung dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước và áp lực lạm phát cao hơn trong năm nay, không loại trừ khả năng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tăng thêm 50 điểm cơ bản nữa.

Các chuyên gia cũng cảnh báo thêm, nếu nút thắt về trái phiếu doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời, Việt Nam nên chấp nhận một 'kịch bản xấu', tức là một cuộc suy thoái mang tính cơ cấu trong đó lãi suất vay quá cao (lợi suất trái phiếu trên 15%; lãi suất cho vay trên 12,5%) để có thể chi trả dịch vụ giá trị gia tăng.

Tỷ giá USD bật tăng, áp lực sẽ thoái lui vào nửa cuối năm 2023

Trên thị trường ngoại hối, số liệu phân tích của Bộ phận nghiên cứu tại SSI cho hay, áp lực từ thị trường quốc tế đã khiến tỷ giá niêm yết tại các NHTM, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục bật tăng trong tuần trước.

Kết tuần, tỷ giá niêm yết từ Vietcombank tăng 20 đồng/USD, trong khi tỷ giá chợ đen tăng 175 đồng/USD. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng 0,27%, lên 23.790VND/USD.

216 nghìn tỷ đổ về Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá USD bật tăng - Ảnh 3.

Chuyên gia p lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong nửa đầu năm nay, trước khi thoái lui hoàn toàn trong 6 tháng cuối năm. (Ảnh: TT)

Số liệu mới công bố từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, giải ngân FDI trong 2 tháng đầu năm đạt 2,55 tỷ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ.

SSI đánh giá, sau giai đoạn cao điểm về dòng tiền kiều hối, nguồn cung ngoại tệ sẽ không còn quá dồi dào (từ cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp) và phần nào tạo áp lực lên tỷ giá, trong bối cảnh xu hướng USD thế giới tăng dần theo kỳ vọng tăng lãi suất của Fed.

Mặc dù vậy, các chuyên gia Maybank kỳ vọng, áp lực tỷ giá sẽ giảm bớt trong nửa đầu năm nay, trước khi thoái lui hoàn toàn trong 6 tháng cuối năm.

H.Anh
Cùng chuyên mục