5 tháng, doanh số Fimex (FMC) đạt gần 100 triệu USD, tăng 31%

02/06/2022 09:00 GMT+7
Sao Ta cho biết tình hình nuôi tôm năm nay có chút khó khăn do dịch bệnh, nhưng kết quả khá khả quan, góp phần làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận tốt ở quý II.

Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) - đơn vị thành viên Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) đã công bố tình hình kinh doanh trong tháng 5/2022.

Cụ thể, sản lượng tôm thành phẩm của Sao Ta sản xuất đạt 2.000 tấn, giảm 7 tấn so với cùng kỳ năm 2021. Sản lượng sản xuất nông sản đạt 317 tấn, tăng 173% so với cùng kỳ.

Doanh số tiêu thụ của công ty đạt khoảng 22,2 triệu USD (khoảng 510,6 tỷ đồng), tăng 35% so với cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng, doanh số tiêu thụ đạt 99,8 triệu USD (khoảng 2.295 tỷ đồng), tăng 31% so với cùng kỳ.

Về sản phẩm tôm nuôi, công ty đang thu hoạch, dự kiến hoàn tất trong tháng 6, sau đó sẽ tiến hành thả nuôi vụ II. Tình hình nuôi tôm năm nay có chút khó khăn do dịch bệnh, nhưng kết quả khá khả quan, góp phần làm giảm giá thành, tăng lợi nhuận tốt ở quý II. Khu nuôi mới đang làm ao, có chậm trễ do mưa nhiều, dự kiến sẽ hoàn tất và thả giống cho vụ II.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chia sẻ thông tin về tình hình kinh doanh quý II với hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều đang diễn ra suôn sẻ với nhiều tín hiệu tốt, cho dù tháng 5 và vài tháng tới, có khả năng nguyên liệu tôm sẽ thiếu hụt hơn vì thời tiết và nguồn nguyên liệu không được khả quan.

Theo chia sẻ của ông Phạm Hoàng Việt, Tổng giám đốc, hoạt động chế biến xuất khẩu và nuôi tôm đều diễn ra thuận lợi với nhiều tín hiệu tốt, khả năng quý II sẽ vượt mức lợi nhuận ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước.

Quý II/2021, Sao Ta đạt khoảng 81 tỷ lợi nhuận trước thuế, gần 82 tỷ lãi sau thuế. Dù không nói chi tiết song ước tính lợi nhuận trước thuế quý II/2022 có thể đạt khoảng 97 tỷ đồng.

Về tổng quan thị trường, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm tháng 5 đạt 416 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021 trong khi tháng 4 tăng nóng 47%. Tính chung 5 tháng, xuất khẩu tôm ước đạt 1,8 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản.

Riêng cá tra và tôm đạt khoảng 2,8 tỷ USD.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm, cá tra và các mặt hàng chủ lực khác đều ghi nhận tăng trưởng cao vọt so với năm 2021, nhất là mặt hàng cá tra. Sản lượng cá da trơn của Mỹ giảm, lạm phát cao, thuế chống bán phá giá giai đoạn POR17 có lợi cho nhiều doanh nghiệp cá tra. Số doanh nghiệp cá tra được phép xuất khẩu sang Mỹ tăng, giá xuất khẩu cá tra trung bình sang Mỹ đạt đỉnh mới.

Tại thị trường Trung Quốc, nhờ nhu cầu gia tăng nên vẫn thu hút nhiều doanh nghiệp Việt Nam bất chấp thách thức trên để xuất khẩu sang thị trường này. Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đến cuối tháng 5/2022 ước đạt hơn 700 triệu USD, tăng 94% so với cùng kỳ. 

An Vũ
Cùng chuyên mục