Quý I/2022, Thực phẩm Sao Ta (FMC) ước tính doanh thu 58,7 triệu USD, tăng 39%

02/04/2022 08:01 GMT+7
Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Fimex, HoSE: FMC) vừa công bố tình hình kinh doanh trong tháng 3/2022.

Cụ thể, thành phẩm tôm đạt 1960 tấn tăng 31,6% so với cùng kỳ. Thành phẩm nông sản đạt 270 tấn, trong khi cùng kỳ năm trước 118 tấn. Hoạt động nuôi tôm của doanh nghiệp phát triển ổn định trong tháng 3.

Doanh số trong tháng 3 đạt 18,5 triệu USD tăng khoảng 6% so với cùng kỳ. Công ty cho biết, tháng này có khách hàng yêu cầu chuyển giao hàng qua tháng sau nên doanh số tăng không cao.

Lũy kế 3 tháng, doanh số tiêu thụ của Fimex đạt 58,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây, HĐQT Fimex cũng công bố kế hoạch kinh doanh năm 2022. Theo đó, mục tiêu doanh thu Fimex đạt ra khoảng 5.290 tỷ đồng, tăng 11,3%; lợi nhuận trước thuế ít nhất 320 tỷ đồng, tăng 10,7% so với thực hiện 2021.

Quý I/2022, Thực phẩm Sao Ta (FMC) ước tính doanh thu 58,7 triệu USD, tăng 39% - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy của Sao Ta. (Ảnh: PAN Group).

Sao Ta cũng cũng lên kế hoạch trả cổ tức 2022 tỷ lệ 20% (2,000 đồng/cổ phiếu), bằng với mức cổ tức dự kiến trả trong năm 2021.

Ban lãnh đạo công ty dự báo, nhu cầu thủy sản, đặc biệt là nhu cầu tôm sẽ tăng mạnh hơn khi dịch Covid-19 đang được kiểm tại các thị trường nhập khẩu.

Sản phẩm tôm được ưa chuộng do giá trị dinh dưỡng cao, dễ chế biến. Dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng, xu hướng chuộng các sản phẩm tiện dụng chế biến sẵn (hàng ăn liền), đóng gói nhỏ. Xu thế này phù hợp với định hướng, năng lực chế biến và cũng là thế mạnh của Sao Ta.

Về thị trường, Sao Ta định hướng coi trọng thị trường Nhật Bản và Hoa Kỳ, song song tìm giải pháp nâng cao thị phần ở EU, Hàn Quốc, Úc. Doanh nghiệp cũng sẽ tập trung phát triển sản phẩm có hàm lượng chế biến cao, phân khúc thị trường cao cấp.

Sao Ta xác định giải pháp xuyên suốt là thúc đẩy phát triển vùng nuôi để có nguồn nguyên liệu sạch và chứng minh được khách hàng là tôm Sao Ta được giám sát ngay từ ao nuôi. Vào tháng 6, doanh nghiệp sẽ đưa dự án 52 ha đất nuôi tôm của Khang An vào khai thác. Đơn vị đặt mục tiêu đến 2025 mở rộng vùng nuôi tối đa 500 ha.

Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu. Hệ quả là sự gián đoạn và chi phí vận chuyển tăng cao.

Xung đột giữa Nga và Ukraina đã thêm tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất mong manh và giá dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng đã ảnh hưởng chi phí sản xuất.

Về nuôi tôm, khi đặt trong mối tương quan với các đối thủ cạnh tranh như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Thái Lan... ngành nuôi tôm Việt Nam còn nhiều vấn đề phải quan tâm để giảm giá thành nuôi tôm, tăng sức cạnh tranh mà vẫn kiểm soát được chất lượng.

Các nước này cũng có chính sách phát triển mạnh ngành tôm nên xu thế nguồn cung tôm thế giới sẽ tăng.

Tôm từ Ecuador, Ấn Độ có lợi thế giá rẻ đang chiếm lĩnh nhiều thị trường quốc tế, tôm Indonesia không bị áp thuế ở thị trường Mỹ, tôm Thái Lan không bị kiểm tra nghiêm ngặt ở thị trường Nhật… tất cả tạo áp lực cạnh tranh gay gắt cho tôm Việt.

Năm 2021, Sao Ta đạt 287 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm 2020 và vượt 7% so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là năm Sao Ta ghi nhận lợi nhuận cao kỷ lục kể từ khi thành lập, bất chấp tác động của dịch COVID-19.

Với kết quả này, công ty muốn thông qua mức chi cổ tức năm 2021 là 20% (2.000 đồng/ cổ phiếu), đúng với kế hoạch đề ra năm ngoái, tương ứng với số tiền dự chi gần 131 tỷ.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng muốn trích 3% trên lợi nhuận sau thuế năm ngoái để thưởng hoàn thành kế hoạch cho HĐQT, Ban Kiểm soát với tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng. Đồng thời thưởng do hoàn thành vượt kế hoạch với tỷ lệ 5% trên mức lợi nhuận vượt, tương ứng với số tiền gần 939 triệu đồng.

Theo tờ trình, năm nay, nếu hoàn thành kế hoạch tổng lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ thì công ty dự kiến thưởng 3% trên lợi nhuận sau thuế công ty mẹ  và thưởng 5% trên mức vượt phần lợi nhuận sau thuế công ty mẹ.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FMC đứng ở mức 67.800 đồng/cổ phiếu (tăng 1,8%).


O.L
Cùng chuyên mục