"Ác mộng" đằng sau mác “thao túng tiền tệ” mà Mỹ gắn cho Trung Quốc
Hôm 5.8, sau khi tỷ giá NDT của Trung Quốc bất ngờ trượt ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, Washington nhanh chóng dán nhãn Bắc Kinh thao túng tiền tệ chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ sau đó, một động thái mà chính quyền ông Tập Cận Bình đã kiêng dè từ lâu.
Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi ông Trump lên làm Tổng thống, Nhà Trắng đã luôn hướng mũi nhọn vào phía Trung Quốc như một trong những quốc gia luôn cố gắng làm suy yếu tiền tệ để giành lợi thế cạnh tranh không công bằng với Mỹ trong thương mại toàn cầu. Trung Quốc đã nỗ lực giảm thặng dư thương mại với Mỹ, song song với việc ổn định tỷ giá đồng NDT. Ngay sau khi bị Bộ Tài chính Mỹ dán nhãn thao túng tiền tệ, Bắc Kinh lập tức phủ nhận và khẳng định không muốn tham gia vào chiến tranh tiền tệ với Washington. Nhưng nỗ lực này dường như quá đỗi muộn màng.
Thực tế, mác “thao túng tiền tệ” không có quá nhiều ý nghĩa kinh tế thực tiễn. Trên lý thuyết, thao túng tiền tệ là một quá trình kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm mà một quốc gia liên tục làm suy yếu tiền tệ nhằm làm giá cả hàng hóa rẻ đi tương đối để tăng cường xuất khẩu. Khi một nước bị dán nhãn thao túng tiền tệ, nó có thể kéo theo những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Như vậy, thao túng tiền tệ không có quá nhiều ý nghĩa quốc tế.
Nhưng rõ ràng, có điều gì đó nguy hiểm hơn thế đằng sau mác thao túng tiền tệ mà Mỹ áp đặt lên quốc gia Đông Á này.
Thao túng tiền tệ và mặt trận mới trong thương chiến Mỹ Trung
Trong bối cảnh xung đột thương mại ngày càng nóng bỏng, thao túng tiền tệ lại có hàm nghĩa đáng kể với cả hai nền kinh tế. Nó chôn vùi hy vọng về việc nối lại đàm phán thương mại như những gì ông Trump và ông Tập đã đạt được bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng 6 ở Osaka. Nó làm tắt triển vọng thỏa thuận thương mại trong tương lai gần, trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Tồi tệ nhất, mác thao túng tiền tệ còn mở ra một mặt trận thứ ba trong cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới: mặt trận chiến tranh tiền tệ sau những mâu thuẫn về thuế quan thương mại và công nghệ. Dù Bắc Kinh hiện tại phủ nhận việc theo đuổi chiến tranh thương mại với Mỹ, chưa chắc ông Trump đã hài lòng với sự phủ quyết này.
Sau những động thái vừa qua, xung đột Mỹ Trung có thể sẽ không trở nên tồi tệ hơn trong 1 tháng tới đây, trước khi thuế quan 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực. Nhưng cũng đừng kỳ vọng sự lạc quan nào trong bối cảnh triển vọng suy thoái đang đè nặng lên nền kinh tế.
"Thao túng tiền tệ" và sự phân cực thế giới
Trong khi các nhà phân tích còn đang tranh luận Trung Quốc có thực sự thao túng tiền tệ, thì Bắc Kinh đã nỗ lực duy trì sự ổn định trở lại của tỷ giá.
Trước đó, rất nhiều lập luận chỉ ra Bắc Kinh dường như cố ý phá giá tiền tệ để đánh cắp lợi thế cạnh tranh công bằng. Nhưng rõ ràng, những hành động của Bắc Kinh có vẻ chưa đủ cơ sở cho kết luận thao túng tiền tệ, vốn được định nghĩa là một quá trình làm suy yếu tiền tệ kéo dài, lặp đi lặp lại. Hơn nữa, Trung Quốc có vẻ không thu được lợi ích gì từ phá giá tiền tệ trong bối cảnh hiện nay.
Sự suy yếu của đồng NDT sẽ đi ngược lại mục tiêu biến NDT thành đồng tiền dự trữ toàn cầu mà Bắc Kinh theo đuổi, thậm chí làm chảy máu dòng vốn, đặc biệt là vốn FDI. Ngay sau đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa PBOC đã neo lại tỷ giá, tránh sự suy giảm nhanh chóng của tỷ giá NDT. Dù điều này chẳng khiến Mỹ suy nghĩ lại chuyện gắn mác thao túng tiền tệ cho nước này.
Vấn đề chính ở đây không phải Bắc Kinh sẽ bị trừng phạt ra sao với nhãn thao túng tiền tệ, mà là những tác động trung và dài hạn của nó với thị trường tiền tệ nói riêng và thỏa thuận thương mại nói chung. Thực tế, thị trường giờ đây gần như đã từ bỏ hy vọng Mỹ và Trung Quốc ký kết xong thỏa thuận từ nay đến cuộc bầu cử Tổng thống.
Hơn nữa, nhãn thao túng tiền tệ về lâu dài sẽ phân tách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, buộc các quốc gia chọn lựa ủng hộ khối đồng USD hay NDT mới nổi, một tình huống đầy khó xử. Về lâu dài, sự chia rẽ giữa hai thế lực Mỹ và Trung sẽ làm tổn thương nặng nề hoạt động thương mại tự do cũng như hệ thống kinh tế toàn cầu.
Thuế quan của Trump giống một công cụ chính trị hơn là thương mại
Về mặt thực tiễn, nhiều nhà phân tích đã chỉ ra hàng loạt động thái mới nhất của Trump thực tế xuất phát từ động cơ chính trị nhiều hơn là thương mại.
Trước hội nghị thượng đỉnh G20, ông Trump từng đe dọa sẽ áp thuế 25% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà không ngần ngại. Nhưng mới đây, Tổng thống Mỹ lại tỏ ra “ôn hòa” khi chỉ tuyên bố mực thuế quan 10% có hiệu lực từ 1.9.
Yếu tố lớn nhất mà Trump có lẽ đã cân nhắc là ảnh hưởng của thuế quan đến lạm phát tiêu dùng và nền kinh tế Mỹ trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống 2020 sắp bắt đầu.
Ví dụ như một sản phẩm áo phông cotton nhập khẩu từ Trung Quốc được bán tại trung tâm mua sắm Mỹ với giá 10 USD. Giá nhập khẩu khoảng 4 USD, 6 USD còn lại là chi phí tiếp thị, bán lẻ, phân phối và lợi nhuận. Mức thuế 25% sẽ đẩy giá nhập khẩu từ 4 USD lên 5 USD, đủ lớn để tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng Mỹ và khiến ông Trump mất cơ hội tái đắc cử nhiệm kỳ tiếp theo.
Tệ hơn nữa, lạm phát tăng sẽ làm giảm cơ hội FED tiến hành cắt giảm lãi suất, đi ngược lại kỳ vọng thị trường và làm tổn thương nền kinh tế. Ngay cả khi các nhà nhập khẩu quyết định không tăng giá, giữ nguyên giá và chấp nhận nỗi đau thuế quan thay vì chuyển nó sang người tiêu dùng, thì việc kết quả kinh doanh doanh nghiệp yếu kém khiến phố Wall suy sụp cũng trở thành vật cản cho kỳ bầu cử của ông Trump.
Còn mức thuế 10% thì dễ dàng hơn nhiều, nó chỉ làm tăng giá nhập khẩu 0,4 USD, không tác động quá nhiều đến lạm phát hay tâm lý thị trường chứng khoán.
Điều này lý giải vì sao ông Trump khẳng định thuế quan sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng Mỹ, chỉ có Trung Quốc là kẻ phải trả giá đắt cho thuế quan.