Thị trường Hà Nội đối mặt với bài toán thiếu hụt mặt bằng bán lẻ chất lượng cao
Mặt bằng bán lẻ trung tâm Hà Nội kín chỗ
Theo báo cáo thị trường bán lẻ Hà Nội quý II/2025 của Savills Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy tại khu vực trung tâm (CBD) đạt 98,3%, tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá chào thuê trung bình cho mặt bằng bán lẻ tầng trệt và tầng một tại khu vực này đạt 172,7 USD/m2/tháng, ổn định so với quý trước và tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, theo báo cáo Savills Impact 2025, nhiều thương hiệu quốc tế, đặc biệt trong ngành hàng thời trang, mỹ phẩm, thể thao và phong cách sống đang có xu hướng dịch chuyển khỏi các vị trí truyền thống để tìm đến những khu vực mới có tiềm năng phát triển các cửa hàng có thương hiệu lớn.

Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý cấp cao, Bộ phận Cho thuê bán lẻ Savills, trong bối cảnh nhiều thương hiệu quốc tế đang cân nhắc thị trường Đông Nam Á, Việt Nam có lợi thế là dân số trẻ, năng động và theo đuổi xu hướng mua sắm, với mong muốn được trải nghiệm nhiều hơn.
"Ngoài ra, chi phí lao động, xây dựng và kho bãi vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực, giúp các thương hiệu dễ dàng tối ưu hóa chi phí và đạt được tiềm năng lợi nhuận lớn hơn”, bà Quyên nhận định.
Theo bà Quyên, những thương hiệu quốc tế tập trung lớn nhất hướng vào các tài sản có khả năng vận hành tốt và bám sát chiến lược bán lẻ đa kênh, từ trung tâm thương mại quy mô tại khu dân cư phát triển cho đến các công viên bán lẻ ngoại ô.
Bên cạnh đó, việc định giá lại tài sản sau đại dịch đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giới đầu tư, trong khi suất sinh lợi của phân khúc này hiện đang hấp dẫn hơn nhiều so với nhà ở hay logistics – hai phân khúc vốn đang bị đẩy giá quá cao do dòng tiền ồ ạt đổ vào trước đó.
Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Hà Nội đang thiếu hụt mặt bằng bán lẻ chất lượng cao. Các trung tâm thương mại hiện hữu đã gần như kín chỗ, trong khi nguồn cung mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu về vị trí, trải nghiệm và tiêu chuẩn vận hành quốc tế. Điều này dẫn đến việc giá thuê mặt bằng bán lẻ ở khu vực trung tâm tăng cao.
Nguyên nhân chính là do nguồn cung mặt bằng bán lẻ mới chưa đáp ứng kịp nhu cầu của thị trường, đặc biệt là các mặt bằng có vị trí đẹp, thiết kế hiện đại và đáp ứng được các tiêu chuẩn vận hành quốc tế.
Các nhà bán lẻ, đặc biệt là các thương hiệu quốc tế, đang tìm kiếm những không gian bán lẻ chất lượng cao để mở rộng thị trường, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm phù hợp. Sự thiếu hụt này không chỉ ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ mà còn tác động đến trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng. Khi nguồn cung hạn chế, các trung tâm thương mại có thể không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, dẫn đến việc giảm sút sức mua và trải nghiệm không tốt.
Một khu vực tại Hà Nội sẽ là điểm đến của bán lẻ quốc tế
Theo Savills Việt Nam, để giải quyết vấn đề này, thị trường bán lẻ Hà Nội cần có thêm nhiều dự án phát triển mặt bằng bán lẻ chất lượng cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về vị trí, thiết kế, trải nghiệm và vận hành. Điều này không chỉ giúp thu hút các thương hiệu bán lẻ hàng đầu mà còn tạo ra một môi trường mua sắm sôi động và hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng.
Bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Cho thuê Thương mại, Savills Hà Nội nhận định, mặc dù mặt bằng bán lẻ tại Hà Nội hiện vẫn còn hạn chế cả về quy mô và trải nghiệm nếu so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn có nhiều dư địa phát triển trong giai đoạn tới.
“Từ góc nhìn của các thương hiệu quốc tế, Hà Nội vẫn còn nhiều dư địa để phát triển các tổ hợp thương mại đạt chuẩn, nơi có thể nâng tầm trải nghiệm và vận hành một cách đồng bộ hơn”, bà Minh nhận định.

Đại diện của Savills cũng cho rằng, khu vực Tây Hồ Tây (Hà Nội) đang nổi lên như một trong những khu vực được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Nơi đây hội tụ các yếu tố chiến lược như kết nối thuận tiện, cộng đồng cư dân quốc tế, quy hoạch đồng bộ và quỹ đất phù hợp để phát triển các tổ hợp thương mại chất lượng.
“Không nhiều khu vực tại Hà Nội cùng lúc sở hữu quy hoạch bài bản, cộng đồng cư dân quốc tế, mật độ văn phòng cao và định hướng phát triển hành chính, ngoại giao như Starlake. Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành một tổ hợp thương mại hiện đại, mang tính kết nối đa chiều”, bà Minh chia sẻ.
Theo bà Minh, một tập đoàn nước ngoài đang trong quá trình chuẩn bị khởi động một tổ hợp thương mại tại Starlake. Đây được kỳ vọng sẽ là “điểm rơi” đúng thời điểm, góp phần giải bài toán thiếu hụt mặt bằng bán lẻ chất lượng cao tại Hà Nội.
Từ sau khi Lotte Mall Westlake đi vào hoạt động, khu vực phía Tây Hà Nội đang dần hình thành trục phát triển bán lẻ mới, thu hút sự quan tâm từ các thương hiệu quốc tế. Xu hướng hiện nay hướng đến các tổ hợp thương mại cao cấp, mang tính biểu tượng và vận hành theo chuẩn quốc tế, nơi khách hàng có thể trải nghiệm trọn vẹn từ mua sắm đến dịch vụ cá nhân trong không gian tinh tế.
Ngoài ra, một số dự án mới tại khu vực này cũng đang tích hợp tiêu chuẩn phát triển xanh như chứng chỉ LEED, yếu tố ngày càng quan trọng với người tiêu dùng và thương hiệu toàn cầu.