Bắc Kinh muốn có kế hoạch 5 năm "tách rời Mỹ" khi căng thẳng leo thang?

25/05/2020 11:06 GMT+7
Những nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu công nghệ trong kế hoạch 5 năm tiếp theo.
Bắc Kinh muốn có kế hoạch 5 năm "tách rời Mỹ" khi căng thẳng leo thang? - Ảnh 1.

Khi căng thẳng leo thang, việc Trung Quốc phát triển ngành công nghệ trong nước theo hướng độc lập, tự lực để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ là xu hướng dễ hiểu

Làm thế nào Trung Quốc có thể tiếp tục giữ vững nhịp phát triển trước nguy cơ căng thẳng leo thang với Mỹ? Bắc Kinh cần gì để tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo? Và chính phủ cần tập trung nguồn lực vào đâu để biến giấc mơ siêu cường thành hiện thực? Đó là những câu hỏi lớn mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang cân nhắc khi nước này phác thảo kế hoạch 5 năm tiếp theo nhằm đặt ra các mục tiêu kinh tế chính trị quan trọng trong giai đoạn 2021-2025.

Theo các quan chức và nhà nghiên cứu Trung Quốc, những người đang trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định chính sách giai đoạn mới; mối quan hệ Mỹ Trung ngày càng căng thẳng chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh thay đổi kế hoạch chính sách mới trong bối cảnh bất ổn địa chính trị. Dự kiến, kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 sẽ được chính thức công bố tại phiên họp Quốc hội tháng 3/2021 của Bắc Kinh. Nhưng những nghiên cứu sơ bộ chỉ ra rằng Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đặt mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào Mỹ trong chuỗi cung ứng và xuất khẩu công nghệ. Đồng thời, Bắc Kinh sẽ tiếp tục cải tổ chính sách nhằm duy trì vị trí trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang bị lung lay sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là nâng cao mối liên kết quan trọng với các thị trường Châu Á và Châu Âu để bù đắp cho những rủi ro gia tăng với Mỹ.

Xie Fuzhan, người đứng đầu Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS) nhận định đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế, chính trị toàn cầu; đồng thời tác động trực tiếp đến kế hoạch 5 năm giai đoạn tiếp theo của Bắc Kinh. Mặc dù không trực tiếp nhắc tới Mỹ, nhưng ông Xie cho hay “một số quốc gia phát triển đã cố gắng đổ lỗi và buộc các nước khác chịu trách nhiệm cho những vấn đề của chính quốc gia họ; trong khi chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương của họ có thể đặt nền kinh tế toàn cầu vào nguy cơ tan rã”.

Điều này tương tự như những gì Chủ tịch Tập Cận Bình đã phát biểu trong phiên họp Hội nghị Hiệp thương chính trị Quốc gia trước đó, cáo buộc chính sách bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương ở một số quốc gia trên thế giới đang làm tan rã chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Tập đề cao sức mạnh của hệ thống sản xuất hoàn chỉnh lớn bậc nhất thế giới cùng thị trường nội đia 1,4 tỷ dân với 500-700 triệu dân có mức thu nhập trung bình, cung cấp động lực tiêu dùng rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Các nhà kinh tế cũng nhận định chính thị trường nội địa Trung Quốc hơn 1 tỷ dân là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tiếp theo. Trong khi vẫn duy trì sự bành trướng trên thị trường quốc tế, Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa khổng lồ. Xu hướng này được thúc đẩy bởi những kế hoạch mới đầu tư vào các dự án công nghiệp miền trung - miền tây để bù đắp thiệt hại cho các tỉnh phía đông khi đại dịch tấn công nhu cầu quốc tế.

Trọng tâm các kế hoạch phát triển trong 5 năm tiếp theo của Trung Quốc chắc chắn là công nghệ - lĩnh vực bị Mỹ “đàn áp” bấy lâu nay theo cáo buộc của Bắc Kinh. Bộ Thương mại mới đây đã đưa thêm 33 doanh nghiệp, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen, đa phần trong số đó là các doanh nghiệp công nghệ. Trước đó, hồi năm 2019, Washington cũng đưa gần 30 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới Huawei.

Các nhà quan sát nhận định Bắc Kinh sẽ tận dụng hệ thống sản xuất toàn diện trong nước để tăng cường đổi mới công nghệ, đầu tư vào các lĩnh vực tiên tiến của nền kinh tế, chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế giá trị cao. Khi cuộc chiến tranh thương mại lan sang lĩnh vực công nghệ, việc Trung Quốc phát triển ngành công nghệ trong nước theo hướng độc lập, tự lực để giảm sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ là xu hướng dễ hiểu.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục