Thị trường chứng khoán: mặt trận mới của căng thẳng Mỹ Trung

22/05/2020 18:23 GMT+7
Cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 kéo dài đã khiến mối quan hệ Mỹ Trung trở nên căng thẳng hơn khi hai quốc gia liên tục đổ lỗi cho nhau trong vụ dịch bùng phát.
Thị trường chứng khoán: mặt trận mới của căng thẳng Mỹ Trung - Ảnh 1.

Khi căng thẳng Mỹ Trung nóng lên, thị trường chứng khoán trở thành mặt trận tiếp theo

Trong động thái mới nhất, hôm 21/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua luật hạn chế các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch Mỹ hoặc huy động vốn từ các nhà đầu tư Mỹ trừ khi các công ty này chấp thuận tuân thủ tiêu chuẩn kiểm soát tài chính của Washington.

Mặc dù bộ luật mới được áp dụng với mọi công ty nước ngoài đang tìm cách kêu gọi nguồn vốn hoặc niêm yết trên thị trường Mỹ, các nhà quan sát cho hay hành động này nhằm mục tiêu trực tiếp đến Bắc Kinh và các doanh nghiệp Trung Quốc. Sau tin tức này, cổ phiếu gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã giảm hơn 2%.

Trong vài tháng qua, các chính trị gia Mỹ đã thổi bùng cuộc chiến ngôn luận nhắm vào Trung Quốc, rằng “sai lầm nghiêm trọng” của Bắc Kinh trong giai đoạn đầu dịch bệnh bùng phát là nguyên nhân khiến đại dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu gây hậu quả nặng nề. Tổng thống Donald Trump thậm chí đe dọa sẽ áp thuế quan trả đũa với Trung Quốc sau tất cả những gì nước Mỹ trải qua trong vụ dịch, còn cố vấn Nhà Trắng Larry Kudlow thì khẳng định Mỹ sẽ buộc Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng đại dịch.

Các nhà phân tích dự báo căng thẳng Mỹ - Trung sẽ tiếp tục leo thang khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2020 sắp đến gần và ông Trump cần một “vật tế thần” để làm bia. Ước tính, đã có hơn 1,5 triệu người Mỹ nhiễm virus, 92.000 người Mỹ tử vong và 38 triệu người Mỹ mất việc trong cuộc khủng hoảng đại dịch này. Nhiều nhà phân tích nhận định nền kinh tế Mỹ đã bước vào giai đoạn suy thoái do đại dịch.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Louisiana John Kennedy, người ủng hộ mạnh mẽ dữ luật hủy niêm yết các công ty Trung Quốc khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ, cho hay cần thiết phải yêu cầu các công ty nước ngoài xác minh không thuộc sở hữu hoặc không bị kiểm soát bởi chính phủ nếu muốn được niêm yết tại Mỹ. Dự luật cũng yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ hạn chế tiếp xúc với thị trường chứng khoán Trung Quốc thông qua các quỹ hưu trí của chính phủ, điều được cảnh báo sẽ gây rủi ro cho an ninh quốc gia.

Theo China Renaissance, áp lực từ chính phủ Mỹ nhiều khả năng sẽ buộc các công ty Trung Quốc tìm đến các sàn giao dịch khác như Hồng Kông. Sàn Hang Seng của Hồng Kông tuần này đã thay đổi chính sách theo hướng mở hơn, chấp nhận cho các công ty ban đầu niêm yết tại sàn giao dịch khác, hoặc các công ty có cổ phiếu đa quyền được niêm yết trên sàn này. Như vậy giờ đây, các công ty đã niêm yết ở Mỹ vẫn có thể niêm yết thứ cấp trên sàn giao dịch Hồng Kông. Sự thay đổi này nhằm thu hút các đại gia công nghệ Trung Quốc đến sân chơi chứng khoán Hồng Kông.

JD.com và Trip.com, hai gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc được cho là đã lên kế hoạch niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông. Baidu cũng đang xem xét một lựa chọn như vậy.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục