Bất chấp dịch Covid – 19, xuất khẩu thủy sản vẫn tăng mạnh
Số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, tháng 6/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 349,9 triệu USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019. Theo nhận định của giới chuyên môn, mức tăng trưởng này cao nhất kể từ tháng 3 vừa qua.
Đặc biệt hơn, mức tăng trên được ghi nhận trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn ở các thị trường chính. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong thời gian này, đối với hai thị trường chủ chốt là Mỹ và Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, đối với các thị trường như: Hàn Quốc, Anh, Canada,… kim ngạch xuất khẩu tôm cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá khả quan.
Cụ thể, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ trong tháng 6/2020 tăng trưởng 54,4% so với tháng 6/2019. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về nguyên nhân sự gia tăng trên, theo đánh giá từ phía VASEP, tại thị trường Mỹ, trong 6 tháng đầu năm, tôm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn so với các nguồn cung đối thủ nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Trong khi đó các nguồn cung tại Ấn Độ và Ecuador vẫn đang bị ảnh hưởng nặng nề. Các nước này không chỉ chịu tác động bởi đơn hàng giảm mà ngay cả hoạt động sản xuất trong nước bị đình trệ do lệnh phong tỏa, thiếu công nhân trong các nhà máy do họ không đi làm vì lo ngại bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra, giá tôm Việt Nam đã có xu hướng tăng, tồn kho tại các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, VASEP dự kiến xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khả quan trong các tháng tới.
Đối với xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam, ghi nhận tháng 6 tăng 6,5%, đạt trên 48 triệu USD sau khi giảm liên tục 3 tháng trước đó.
Theo đại diện VASEP cho hay, sở dĩ xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng là do các thị trường nhập khẩu như Hàn Quốc, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ,… đã tăng mua. Trong khi đó, thị trường Nhật Bản, EU vẫn còn giảm do ảnh hưởng của Covid-19.
Trong đó, Hàn Quốc là thị trường nhập mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 42,5% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này. Tính riêng trong tháng 6, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc tăng 23,5%.
Tuy nhiên, do giảm trong các tháng trước nên 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt trên 102 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2019.
Tại Trung Quốc, trong tháng 6, kim ngạch tăng 156%, đạt trên 4 triệu USD chiếm 7,4% tỷ trọng xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam. Theo đó, lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang nước này đạt 17,8 triệu USD, tăng 54% so với cùng kỳ 2019.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật 6 tháng đầu năm 2020 đạt 58,6 triệu USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU trong 6 tháng đầu năm, đạt 17,5 triệu USD, giảm 45,7% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại thị trường EU, mặt hàng này vẫn chịu tác động của thẻ vàng IUU, cộng thêm tác động của dịch bệnh khiến các nhà hàng đóng cửa, nhu cầu tiêu thụ mực, bạch tuộc tại lĩnh vực dịch vụ thực phẩm giảm.
Do đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc vào thị trường này sụt khá sâu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu mực bạch tuộc của Việt Nam vào EU chỉ đạt 240 triệu USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái.