Bất ngờ xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Đức
9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đều tăng
tổng cục Hải quan ước tính, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 9/2022 đạt 1,25 tỷ USD, giảm 11,4% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 75,5% so với tháng 9/2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 808 triệu USD, giảm 8,8% so với tháng 8/2022, nhưng tăng 88,5% so với tháng 9/2021.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 8,6 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đồ nội thất bằng gỗ luôn là mặt hàng xuất khẩu chính trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2022 trị giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 7 tỷ USD, giảm 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng xuất khẩu chiếm 63,4% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 6,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Tác động từ các yếu tố lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, dịch bệnh… khiến sức mua ở nhiều thị trường trên thế giới bắt đầu suy giảm. Trong đó, Hoa Kỳ và EU là những thị trường tiêu thụ chính đối với mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam, nhưng lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng ở các thị trường này đang tiết kiệm chi tiêu, trong đó đồ nội thất bằng gỗ là một trong những mặt không thiết yếu, do đó nhu cầu giảm mạnh.
Trong khi trị giá xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ giảm thì trị giá xuất khẩu các mặt hàng khác như dăm gỗ, gỗ, ván và ván sàn và cửa gỗ lại tăng trưởng rất tốt trong 8 tháng năm 2022.
Bất ngờ xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam sang Đức
Mặc dù trong bối cảnh thị trường khó khăn, thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam vẫn tăng mạnh trong tổng lượng nhập khẩu của Đức.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), trong nửa đầu năm 2022, nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Đức đạt 930,2 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ Eur (tương đương 2,8 tỷ USD), giảm 4,6% về lượng và tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Về thị trường: Đức nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ chủ yếu từ thị trường Ba Lan trong nửa đầu năm 2022, đạt 408,8 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ Eur (tương đương 1,1 tỷ USD), giảm 0,3% về lượng và tăng 10,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ trọng nhập khẩu từ Ba Lan chiếm 43,9% tổng lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, thị trường Ba Lan đang có xu hướng giảm sản xuất do thiếu nguồn nguyên liệu, cộng với chi phí vận chuyển và nguyên liệu tăng khiến giá thành phẩm cao và khó bán tại thị trường nội khối, đây là cơ hội để các thị trường xuất khẩu ngoài khối EU, trong đó có Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Đức.
Tiếp theo là thị trường Trung Quốc đạt 90,1 nghìn tấn, trị giá 298,4 triệu Eur (tương đương 286,5 triệu USD), giảm 10,4% về lượng, nhưng tăng 16,3% về trị giá, tỷ trọng nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 6,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp tục thực hiện chính sách “Zero Covid” là nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu đồ nội thất bằng gỗ của Trung Quốc tới thị trường Đức bị gián đoạn.
Đáng chú ý, mặc dù Việt Nam là thị trường cung cấp đồ nội thất bằng gỗ lớn thứ 10 cho Đức, nhưng lượng và trị giá nhập khẩu từ Việt Nam đều tăng trong nửa đầu năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam tăng 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. So với nhu cầu nhập khẩu của Đức, Việt Nam mới chỉ cung cấp đồ nội thất bằng gỗ với tỷ trọng nhỏ, vì vậy vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp khai thác thị trường này.
Về mặt hàng: Đồ nội thất phòng khách và phòng ăn, ghế khung gỗ, đồ nội thất phòng ngủ đều là những mặt hàng chính Đức nhập khẩu trong nửa đầu năm 2022, lượng nhập khẩu 3 mặt hàng này của Đức chiếm 90,3% tổng lượng đồ nội thất bằng gỗ nhập khẩu. Đây cũng là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh, tuy nhiên tỷ trọng cả về lượng và trị giá những mặt hàng này trong tổng nhập khẩu của Đức vẫn còn thấp. Do đó, các doanh nghiệp cần tập trung khai thác những mặt hàng này để mở rộng thị phần tại thị trường Đức trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của ngành gỗ trong những tháng cuối năm được dự báo sẽ còn nhiều thách thức khiến cho việc hoàn thành mục tiêu không dễ dàng. Năm nay, ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 16,5 tỷ USD.
Theo thông lệ, những tháng cuối năm xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ thường cao hơn so với đầu năm do nhu cầu hoàn thiện, sửa sang, trang trí lại nội thất tăng cao vào cuối năm tại nhiều thị trường xuất khẩu chính.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng là Mỹ và các nước EU khiến cho người dân ở các quốc gia này có xu hướng duy trì việc thắt chặt chi tiêu. Khi đó, nhu cầu đối với các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục bị giảm, đồng nghĩa việc ký kết và thực hiện đơn hàng của các doanh nghiệp cũng bị tác động trực tiếp.
Các doanh nghiệp ngành gỗ cho hay tthị trường chính xuất khẩu của Việt Nam như Mỹ, EU đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn. Điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường Mỹ trong nửa cuối năm 2022 không mấy khả quan.
Hiện tại, số đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ đang có xu hướng giảm. Các doanh nghiệp ngành gỗ đang đối mặt với nhiều khó khăn về vốn, chi phí cho người lao động, nguyên liệu đầu vào.
Cùng với đó, các vụ việc điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ đối với ngành gỗ Việt Nam đang gia tăng như gỗ dán, tủ gỗ...
Ngoài ra, các mặt hàng đang có dấu hiệu gia tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ đang được Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cảnh báo như ghế sofa có khung gỗ; gỗ thanh và viền dải gỗ...
Theo khảo sát của Viforest và Forest Trends, phần lớn doanh nghiệp gỗ bị giảm đơn hàng, doanh thu lao dốc. Viforest nhận định xuất khẩu gỗ và lâm sản những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp khăn do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Hiện, các đơn hàng từ thị trường Mỹ, châu Âu, Anh đang sụt giảm mạnh, tác động tiêu cực trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hiện nay. Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng đang đối diện với vụ việc khởi xướng điều tra của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với mặt hàng tủ gỗ và bàn trang điểm.