Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc thấy triển vọng phục hồi

27/05/2020 16:10 GMT+7
Tờ Bloomberg hôm 26/5 nhận định nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 khi các doanh nghiệp lạc quan hơn về triển vọng nền kinh tế toàn cầu.
Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc thấy triển vọng phục hồi - Ảnh 1.

Kinh tế Trung Quốc thấy triển vọng phục hồi, nhưng khó tăng trưởng nhanh về mức trước khi đại dịch bùng phát

Một khảo sát được thực hiện mới đây bởi Standard Chartered Plc cho thấy tâm lý kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ tại Trung Quốc đã lạc quan trở lại vào tháng 5, khi hoạt động sản xuất dần phục hồi và các đơn hàng mới tăng lên. Hồi tháng 4, Trung Quốc chứng kiến sản lượng công nghiệp tăng trong khi chi tiêu tiêu dùng và đơn hàng nhập khẩu giảm do dịch Covid-19 bùng phát dập tắt nhu cầu toàn cầu.

Vào tháng 5, nhiều chính phủ các nền kinh tế lớn trên thế giới đã dần nới lỏng các hạn chế kiểm dịch, khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh. Điều này kích thích nhu cầu đơn hàng tại Trung Quốc tăng vọt. Thêm vào đó, việc mở cửa trở lại nền kinh tế trong nước cũng giúp tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm, qua đó kích thích chi tiêu tiêu dùng trong nước.

Shen Lan và Ding Shuang, hai nhà kinh tế Standard Chartered nhận định sản xuất đang tiếp tục phục hồi nhanh trong bối cảnh nhu cầu trong nước trên đà tăng trưởng. “Chúng tôi cho rằng tốc độ phục hồi nhu cầu trong nước sẽ quyết định việc tăng tốc trong sản xuất trong bối cảnh nhu cầu nước ngoài hồi phục chậm hơn”.

Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc trong 20 ngày đầu tháng 5 giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tức mức giảm nhẹ so với ước tính của các nhà phân tích. Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 cũng bất ngờ tăng do sự tăng mạnh các lô hàng xuất khẩu vật tư y tế ra nước ngoài. Đây được xem là một số điểm sáng nổi bật phản ánh sự phục hồi dần của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

Bất chấp những tín hiệu sáng như vậy, một số nhà kinh tế nhận định sự phục hồi kinh tế nhanh chóng với Bắc Kinh gần như là không thể. Các đơn hàng xuất khẩu mới với công ty nhỏ vẫn chưa phục hồi, trong khi doanh số bán hàng vẫn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Chừng nào dịch Covid-19 chưa chấm dứt hoàn toàn đưa tâm lý kinh doanh và tiêu dùng lên cao, chừng đó nền kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung vẫn còn đối diện nhiều lực cản.

Mặc dù các khoản đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của chính phủ Bắc Kinh có thể thúc đẩy nhu cầu đồng, thép tăng lên nhưng không đủ để bù đắp sự suy yếu trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu khác.

Ngay cả thị trường chứng khoán Trung Quốc trong thời gian qua cũng suy yếu do chịu sức ép lớn từ căng thẳng thương mại Mỹ Trung leo thang. Washington vừa thông qua Bộ quy tắc xuất xứ sản phẩm nhắm trực tiếp đến nguồn cung chip toàn cầu của gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei, đồng thời đưa 33 doanh nghiệp và tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen hạn chế thương mại. Cuộc chiến ngôn luận giữa hai cường quốc về nguồn gốc và sự bùng phát đại dịch Covid-19 cũng khiến quan hệ Mỹ Trung mong manh hơn, có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục