Bố đẻ và em gái Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa bất ngờ bán hàng loạt cổ phiếu

30/03/2022 06:58 GMT+7
Ông Phạm Hồng là bố đẻ và bà Phạm Thị Minh Hoa em gái Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa bất ngờ đăng ký bán hàng chục nghìn cổ phiếu, dự kiến thực hiện từ 31/3/2022 đến 29/4/2022.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần FECON (HoSE: FCN) vừa mới công bố, ông Phạm Hồng là bố đẻ Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa đã đăng ký bán 26.500 cổ phiếu trong thời gian từ ngày 31/3/2022 đến 29/4/2022 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Nếu giao dịch hoàn tất ông Hồng chỉ còn nắm giữ lô lẻ 25 cổ phiếu của FECON. Trong khi đó, ông Phạm Việt Khoa đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu FCN của FECON.

Bố đẻ và em gái Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa bất ngờ bán hàng loạt cổ phiếu - Ảnh 1.

Ông Phạm Hồng là bố đẻ Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa đã đăng ký bán 26.500 cổ phiếu với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Ảnh: Thế Anh

Bên cạnh việc ông Phạm Hồng đăng ký bán cổ phiếu, bà Phạm Thị Minh Hoa là em gái Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa cũng đã bất ngờ đăng ký bán hàng chục nghìn cổ phiếu.

Theo đó, tỷ lệ cổ phiếu nắm giữ trước khi bà Hoa thực hiện giao dịch là 16.397 cổ phiếu, số lượng cổ phiếu được bà Hoa đăng ký bán ra là 16.300 cổ phiếu.

Dự kiến, sau khi hoàn tất thực hiện giao dịch bà Hoa chỉ còn nắm giữ 97 cổ phiếu. Phương thức giao dịch là khớp lệnh với thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 01/04/2022 đến ngày 30/04/2022. Lý giao dịch được bà Hoa đưa ra nhằm giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Đáng chú ý, ngoài việc bố đẻ và em gái Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán ra hàng chục nghìn cổ phiếu, còn có ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT FECON cũng tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ 31/3/2022 đến 29/4/2022.

Lý do được ông Thắng đưa ra cũng giống như bố đẻ và em gái Chủ tịch HĐQT FECON Phạm Việt Khoa là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Được biết, trước đó, ông Thắng đưa số cổ phiếu này ra bán trong 24/2 đến 25/3/2022 nhưng chưa thực hiện với lý do giá thị trường không đạt kỳ vọng.

Bố đẻ và em gái Chủ tịch FECON Phạm Việt Khoa bất ngờ bán hàng loạt cổ phiếu - Ảnh 2.

Dự án của FECON thực hiện. Ảnh: FCN

Trước đó, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT FECON cũng đăng ký bán 1,48 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 6,48 triệu cổ phiếu về 5 triệu cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ 20/12/2021 đến 18/1/2022.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc FECON đăng ký bán 60.200 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 298.693 cổ phiếu về còn 238.493 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/12/2021 đến 20/1/2022 với mục đích giải quyết nhu cầu cá nhân.

Ngoài ra, ông Nguyễn Song Thanh, thành viên HĐQT FECON cũng đăng ký 30.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 31.471 cổ phiếu về còn 1.471 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/12/2021 đến 20/1/2022.

Bà Hà Thị Chín, em gái ông Hà Thế Phương, Phó Chủ tịch HĐQT FECON đăng ký bán toàn bộ 1.876 cổ phiếu để giảm sở hữu về 0 cổ phiếu, giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/12/2021 đến 20/1/2022.

Trong tháng 3, Công ty Cổ phần FECON cũng đã thông báo trúng thầu nhiều hợp đồng với tổng giá trị gần 500 tỷ đồng.

Việc trúng nhiều gói thầu lớn đầu năm 2022 giúp FECON có một khởi đầu thuận lợi trong năm 2022. Kết thúc năm 2021, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 114,8 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện năm 2020.

Với kỳ vọng về cơ hội từ dòng vốn đầu tư công của Chính phủ để kích thích tăng trưởng kinh tế cũng như từ các dự án xây dựng công nghiệp, hạ tầng mà FECON đang và sẽ tham gia cùng những dự án năng lượng tái tạo doanh nghiệp này sở hữu, FECON đặt mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 280 tỷ đồng trong năm 2022.

Đầu năm 2022, FECON cũng đã phải nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục thuế TP.Hà Nội. Quyết định xử phạt nêu rõ vi phạm của FECON bao gồm: hạch toán thuế GTGT được khấu trừ các hóa đơn của các dự án không có doanh thu; hạch toán chi phí không phù hợp với doanh thu trong kỳ.

Do đó, FECON bị phạt tiền khai sai mức 20% trên số thuế tăng thêm qua kiểm tra do có hành vi kê khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp, số tiền hơn 146 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc FECON nộp đủ số tiền thuế GTGT thiếu (hơn 45,2 triệu đồng) và thuế TNDN (hơn 687,1 triệu đồng) vào Ngân sách Nhà nước. Ngoài ra, FCN phải nộp gần 180 triệu đồng tiền chậm nộp thuế.


Thế Anh
Cùng chuyên mục