Bộ Tài Chính “điểm” loạt doanh nghiệp thua lỗ, mất an toàn tài chính gửi Thủ tướng
Trong báo cáo mới nhất gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2019, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu năm ngoái của 138 DNNN do bộ ngành quản lý đạt 924.961 tỷ đồng, tăng gần 25% so với năm trước đó.
Trong đó, doanh thu của 13 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (CMSC) là 669.478 tỷ đồng, tăng 16,52% so với năm 2018 và đang chiếm hơn 72% tổng doanh thu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của 138 doanh nghiệp này đạt hơn 83.000 tỷ đồng trong năm 2019, giảm 5,32%. Các doanh nghiệp này nộp ngân sách nhà nước 113.818 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với năm 2018.
Trong số 138 doanh nghiệp có 133 đơn vị kinh doanh có lãi; 5 đơn vị kinh doanh lỗ gồm: Tổng công ty 15, Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội, Vinachem, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Vinacafe.
Đáng chú ý, năm 2019 có 6 doanh nghiệp có số nợ quá hạn 112 tỷ đồng. Trong đó, nhiều nhất là Công ty Hà Thành (32 tỷ đồng). Tiếp theo là Công ty Thủy sản Hạ Long (29 tỷ đồng), Công ty Hữu nghị Nam Lào (20 tỷ đồng), Công ty Tây Bắc (6 tỷ đồng),…
Về mức độ an toàn tài chính, trong số 138 doanh nghiệp, chỉ có 46 doanh nghiệp do bộ ngành làm đại diện chủ sở hữu được đánh giá là an toàn về tài chính.
4 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản Hà Nội (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Tổng công ty Cà phê VN (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp).
Ngoài ra, 2 đơn vị được đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính đó là: Công ty TNHH MTV NXB Lao động - Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Công ty TNHH MTV Ứng dụng và phát triển công nghệ - NEAD (Bộ Khoa học và Công nghệ).
Các đơn vị còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.
Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước do các bộ ngành quản lý, kết quả tổng hợp số liệu từ 47 doanh nghiệp cho thấy, dù đạt doanh thu năm 2019 lên đến 337.810 tỷ đồng (giảm 4,75% doanh thu) và tăng xấp xỉ 26% lợi nhuận sau thuế (34.408 tỷ đồng) thì chỉ có 14 doanh nghiệp gửi báo cáo cho biết họ đã chia cổ tức cho phần vốn nhà nước với số tiền 16.752 tỷ đồng.
Trong nhóm doanh nghiệp này, 40 đơn vị kinh doanh có lãi, 7 đơn vị kinh doanh lỗ.
Đơn của như: Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 21 tỷ đồng, Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông - vận tải lỗ 27 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng lỗ 83 tỷ đồng và Tổng công ty Sông Hồng lỗ 64 tỷ đồng. Đặc biệt, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam lỗ 246 tỷ đồng và Vinafood 2 do Ủy ban Quản lý vốn làm đại diện chủ sở hữu lỗ 192 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, năm 2019 mới chỉ có 14 doanh nghiệp báo cáo chia cổ tức (cho phần vốn nhà nước) với số tiền là 16.572 tỷ đồng.
Trước đó, trong Báo cáo về hoạt động đầu tư và quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2019 mà Chính phủ gửi cho Quốc hội hồi tháng 10 năm nay, kết thúc năm tài chính 2019, có 419 doanh nghiệp do nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, 372 doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp của nhà nước. Tổng tài sản của các doanh nghiệp có vốn nhà nước đạt 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2018. Có 107/818 doanh nghiệp bị lỗ.
Báo cáo của Công ty mẹ tập đoàn kinh tế, công ty mẹ Tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con (sau đây gọi là công ty mẹ) có tổng tài sản là 1,93 triệu tỉ đồng. Trong số đó, tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (vốn chủ sở hữu/giá trị tài sản cố định) của các công ty mẹ năm 2019 là 3,15 lần cho thấy mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khá cao.
Nhưng hệ số quay vòng tổng tài sản (doanh thu thuần/tổng tài sản) của các công ty mẹ năm 2019 là 0,53% (dưới 1) cho thấy việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, chỉ số này cần được xem xét, đánh giá cụ thể gắn với tính chất ngành nghề kinh doanh của từng doanh nghiệp.