Các DN kinh doanh vận tải sẽ được giảm phí bảo trì đường bộ 30%?
Việc giảm phí bảo trì đường bộ nêu trên, được Bộ Tài chính đề nghị với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Hiện nay, Bộ này cũng đã hoàn thiện dự thảo thông tư kéo dài thêm 6 tháng việc giảm mức thu của hơn 30 khoản phí, lệ phí. Mức giảm 10-50% tùy từng loại phí, lệ phí áp dụng đến hết quý II/2021.
Từ ngày 1/1/2021-30/6/2021, để hỗ trợ cho đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải bị thiệt hại nặng do Covid-19, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giảm 10-30% phí bảo trì đường bộ đối với ô tô kinh doanh vận tải so với mức thu quy định từ năm 2016.
Đối với các trường hợp xe đã được nộp phí theo mức phí quy định tại Thông tư 293 năm 2016 áp dụng cho thời gian nửa đầu năm sau thì chủ xe sẽ được đơn vị đăng kiểm bù trừ số tiền phí chênh lệch cho chu kỳ đăng kiểm tiếp theo.
Cũng theo đề xuất, lệ phí cấp thẻ căn cước công dân bằng 50% mức thu hiện tại. Như vậy, lệ phí chuyển từ chứng minh thư sang cấp thẻ căn cước công dân còn 15.000 đồng/thẻ. Lệ phí đổi thẻ căn cước công dân bị hỏng, thay đổi tên họ, giới tính... còn 25.000 đồng/ thẻ. Lệ phí cấp lại thẻ căn cước khi bị mất cũng được giảm một nửa, còn 35.000 đồng/ thẻ. Nhằm hỗ trợ nhà đầu tư và thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đề xuất xem xét giảm tiếp mức thu của 20 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán đến hết tháng 6/2020.
Dự kiến các khoản lệ phí cấp giấy phép hoạt động công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, lệ phí cấp giấy chứng nhận hoạt động lưu ký chứng khoán được giảm 50% mức thu so với quy định tại thông tư 272 năm 2016. Mức giảm từ 1-10 triệu đồng, tối đa lên tới 50 triệu đồng tùy theo loại giấy phép.
Theo Bộ GTVT, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng tiêu cực nhiều ngành, lĩnh vực. Trong đó, vận tải hành khách đường bộ thiệt hại nhiều nhất bởi phải dừng toàn bộ hoạt động kể từ ngày 1/4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Từ thời điểm xảy ra dịch Covid-19, vận tải khách bị ảnh hưởng trực tiếp, sản lượng vận chuyển khách, doanh thu giảm sâu đến 75% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước đó, Bộ GTVT cho biết, hiện việc thu, nộp, miễn, giảm phí bảo trì đường bộ được quy định tại Thông tư số 293/2016 của Bộ Tài chính. Do vậy, việc giảm phí này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT.
Đối tượng đề xuất giảm theo Bộ GTVT là những đơn vị có phương tiện kinh doanh vận tải bằng ô tô được Sở GTVT địa phương cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Hiện tổng số lượng phương tiện đã được cấp phù hiệu, biển hiệu hơn 800.000 phương tiện. Đối với vận tải hành khách, tháng 3 vẫn diễn ra bình thường, nhưng do tâm lý sợ lây nhiễm nên nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế. Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất giảm 30% phí bảo trì đường bộ.
Trong tháng 4, toàn bộ hoạt động vận tải hành khách phải dừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách. Vì vậy, Bộ GTVT để xuất giảm 100% phí bảo trì đường bộ.
Đến tháng 5, vận tải hành khách đã được phép hoạt động bình thường, tuy nhiên tâm lý của người dân vẫn còn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nên nhu cầu đi lại chưa tăng cao. Bộ GTVT đề xuất mức giảm cho tháng này là 50% phí bảo trì đường bộ.
Để hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách được bình ổn hoạt động sản xuất và khắc phục những khó khăn bởi dịch bệnh, Bộ GTVT đề xuất giảm 15% phí bảo trì đường bộ tháng 6/2020...