Các ngân hàng Trung Quốc "cảnh giác cao độ" trước nguy cơ Mỹ trừng phạt tài chính

16/08/2020 11:39 GMT+7
Các cuộc thảo luận về nguy cơ Mỹ áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt tài chính với Trung Quốc đang trở nên sôi nổi trong những tuần gần đây khi nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra nguy cơ rủi ro đang tăng lên đáng kể.
Các ngân hàng Trung Quốc "cảnh giác cao độ" trước nguy cơ Mỹ trừng phạt tài chính - Ảnh 1.

Khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang, các ngân hàng Trung Quốc quan ngại về nguy cơ bị Mỹ trừng phạt tài chính

Trong khi các cơ quan tài chính Nhà nước Trung Quốc, bao gồm cả Ngân hàng Trung Ương hiện vẫn chưa lên tiếng về nguy cơ chiến tranh tài chính với Mỹ, nhiều ngân hàng quốc doanh nước này lại đang tăng cường thảo luận về biện pháp ứng phó với rủi ro như vậy.

Hồi cuối tháng 7, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo quy mô tài sản, đã tổ chức một hội nghị chuyên đề để thảo luận “rủi ro và giải pháp ứng phó với các biện pháp trừng phạt công nghệ và tài chính”.

Trong khuôn khổ hội nghị, Zhou Yueqiu - nhà kinh tế trưởng của ICBC đã nêu bật thông điệp rằng: “Công nghệ và tài chính đang trở thành hai công cụ quan trọng để Mỹ gây sức ép với Trung Quốc. Chúng ta phải luôn cảnh giác cao độ về nguy cơ này”.

Sun Jie, một nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thì nhấn mạnh Mỹ có nhiều biện pháp để gây thiệt hại cho Trung Quốc như loại trừ doanh nghiệp Trung Quốc khỏi chuỗi giá trị toàn cầu, áp đặt lệnh cấm vận thương mại, thu giữ tài sản tại nước ngoài hoặc hạn chế đi lại với một số cá nhân.

Còn Ju Jiandong, một giáo sư kinh tế tại Đại học Thanh Hoa tại hội nghị đặt ra khả năng Mỹ sẽ “nhắm mục tiêu cụ thể vào các khối tài chính”, bao gồm nguy cơ cắt các giao dịch thanh toán khỏi hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD.

Hồi tháng trước, Gao Desheng, phó giám đốc chi nhánh Johannesburg của ngân hàng Trung Quốc BofC đã cảnh báo rằng Trung Quốc phải tự chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt tài chính sắp tới của Mỹ. “Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Triều Tiên, Iran, Venezuela và Nga bằng cách đóng băng tài sản hoặc cắt quyền truy cập vào hệ thống thanh toán bằng đồng USD, gây ra thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. Chúng ta bắt buộc phải chuẩn bị”.

Dù lường trước được những rủi ro tài chính như vậy, không dễ để các nhà hoạch định chính sách và các ngân hàng Trung Quốc đưa ra biện pháp ứng phó với nguy cơ bị cắt khỏi hệ thống thanh toán đồng USD. Ông Zhou Yueqiu (ICBC) lập luận rằng Trung Quốc nên tăng cường sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế, đồng thời phát triển hệ thống thanh toán riêng độc lập với đồng USD. Nhưng đó là các biện pháp trong dài hạn.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung Quốc BofC đã công bố một báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sử dụng hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) thay cho hệ thống SWIFT trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của hệ thống thanh toán toàn cầu của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ. Hệ thống xác nhận tin nhắn chuyển tiền thanh toán quốc tế SWIFT bảo mật cao hiện là xương sống hỗ trợ thiết yếu cho hệ thống thanh toán đồng USD của Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất từ hệ thống SWIFT, đồng NDT chỉ chiếm 1,66% trong các giao dịch thanh toán quốc tế, lép vế hoàn toàn so với đồng USD chiếm 43%.

Nhưng Wang Yongli, cựu phó chủ tịch của BofC đồng thời là cựu thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu SWIFT thì chỉ ra rằng việc Trung Quốc từ bỏ hệ thống tin nhắn thanh toán SWIFT vốn đang được toàn thế giới chấp thuận là không hề khả thi.


 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục