Sát giờ G, Mỹ - Trung bất ngờ hoãn hội nghị trực tuyến nhìn lại thỏa thuận giai đoạn 1

15/08/2020 16:31 GMT+7
Một nguồn tin quen thuộc hôm 14/8 tiết lộ với Reuters rằng Bắc Kinh và Washington đã quyết định trì hoãn phiên thảo luận trực tuyến nhằm xem xét lại tiến trình thực hiện thỏa thuận giai đoạn 1 dự kiến diễn ra vào ngày mai 15/8 (giờ Mỹ) do xung đột lịch trình.
Mỹ - Trung hoãn hội nghị trực tuyến nhìn lại thỏa thuận giai đoạn 1  - Ảnh 1.

Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký hôm 15/1 tại Washington, Bắc Kinh cam kết tăng cường nhập khẩu 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ Mỹ trong 2 năm

Tờ Reuters trích dẫn nguồn tin thân cận cho biết chưa rõ cuộc thảo luận thương mại sẽ được đẩy lùi đến khi nào. Trước đó, các quan chức cấp cao hai bên dự kiến sẽ tổ chức một hội thảo trực tuyến nhìn lại 6 tháng kể từ khi thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 chính thức có hiệu lực (15/2/2020-15/8/2020) để đánh giá tiến trình thực hiện thỏa thuận này. Thành phần tham gia dự kiến gồm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.

Nguồn tin cấp cao của Reuters cho hay sự xung đột lịch trình làm trì hoãn cuộc thảo luận là do một hội nghị quan trọng của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc diễn ra tại thị trấn Bắc Đới Hà, Đông Bắc Trung Quốc trong cùng ngày. Nhưng hành động hoãn lại phiên thảo luận không phản ánh bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào đe dọa thỏa thuận thương mại, tờ Reuters nhấn mạnh.

Hôm 14/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc đang tiến triển rất tốt, dù nhiều dữ liệu kinh tế chỉ ra Bắc Kinh gần như không thể hoàn thành các mục tiêu thương mại đã cam kết hồi tháng 1.

Một nguồn tin khác thì cho rằng các quan chức Mỹ muốn có thêm thời gian để Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng hóa dịch vụ Mỹ như đã cam kết trong thỏa thuận, qua đó cải thiện triển vọng của buổi đánh giá tổng kết.

Tính đến nay, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc với hàng hóa nông sản, sản xuất, năng lượng và dịch vụ Mỹ đang chậm hơn nhiều so với tốc độ cần thiết để đáp ứng mục tiêu tăng nhập khẩu khoảng 77 tỷ USD trong năm đầu tiên. Nhưng khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà hồi phục sau cuộc khủng hoảng Covid-19 hồi đầu năm, nhiều dấu hiệu cho thấy lượng mua đang tăng lên đáng kể.

Minh chứng là hôm 14/8, Bộ Nông nghiệp Mỹ báo cáo đơn hàng với tổng khối lượng 126.000 tấn đâụ nành cho Trung Quốc, qua đó đánh dấu ngày thứ 8 liên tiếp người mua Trung Quốc nhập khẩu khối lượng lớn đậu nành. Trong lĩnh vực năng lượng, các nhà kinh doanh dầu khí Mỹ và các công ty môi giới tàu biển cũng cho hay một số công ty dầu khí nhà nước Trung Quốc đang dự kiến đặt các tàu chở dầu chuyên chở ít nhất 20 triệu thùng dầu thô từ Mỹ trong tháng 8 và tháng 9.

Những dấu hiệu đó đã đổi lại tín hiệu hài lòng từ các quan chức chính quyền Trump. Nhiều tuần nay, các cố vấn Nhà Trắng không ngừng phát đi thông điệp về việc Washington không có kế hoạch từ bỏ thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Thỏa thuận này bao gồm cả việc tăng cường khả năng tiếp cận cho các công ty dịch vụ tài chính Mỹ tại thị trường Trung Quốc, loại bỏ một số rào cản thương mại hàng nông sản… “Việc trì hoãn cuộc thảo luận dù chỉ trong thời gian ngắn cũng sẽ cho phép Trung Quốc hoàn thành thêm các giao dịch mua. Qua đó giúp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer có thêm cơ sở để thuyết phục Tổng thống Trump tiếp tục thỏa thuận này” - tờ Reuters nói thêm.

Ngoài ra, các dấu hiệu Bắc Kinh đang tuân thủ thỏa thuận cũng có thể làm giảm bớt làn sóng chỉ trích từ ứng viên Tổng thống Joe Biden - đối thủ của Trump trong chiến dịch tranh cử tháng 11 tới. Hồi tuần trước, ông Joe Biden đã nhạo báng rằng thỏa thuận Mỹ - Trung giai đoạn 1 mà Trump ca ngợi là “một chiến thắng lịch sử” đang “thất bại”.

Trong bối cảnh quan hệ Mỹ Trung trở nên tồi tệ sau vụ đại dịch Covid-19, dự luật an ninh mới với Hồng Kông và các lệnh trừng phạt của Mỹ với hàng loạt công ty công nghệ Trung Quốc, thỏa thuận giai đoạn 1 giờ đây gần như là sợi dây kết nối đáng kỳ vọng nhất giữa Bắc Kinh và Washington.


 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục