Ngân hàng Trung Quốc kêu gọi "quay lưng" với hệ thống thanh toán SWIFT, nơi đồng USD bá chủ
Các ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước Trung Quốc đã và đang tìm kiếm các kế hoạch dự phòng cho nguy cơ bị Mỹ sửa đổi các dự luật trong lĩnh vực tài chính để trả đũa vụ thực thi luật an ninh quốc gia mới với Hồng Kông.
Nội dung của báo cáo do Ngân hàng Trung Quốc BoC công bố mới đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng nhiều hơn Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) thay cho hệ thống SWIFT trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của hệ thống thanh toán toàn cầu của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ. Hệ thống xác nhận tin nhắn chuyển tiền thanh toán quốc tế SWIFT bảo mật cao hiện là xương sống hỗ trợ thiết yếu cho hệ thống thanh toán đồng USD của Mỹ. Theo dữ liệu mới nhất từ hệ thống SWIFT, đồng NDT chỉ chiếm 1,66% trong các giao dịch thanh toán quốc tế, lép vế hoàn toàn so với đồng USD chiếm 43%.
Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) ra đời vào tháng 10/2015 nhằm nâng cao tính hiệu quả và thúc đẩy việc sử dụng đồng NDT trên thế giới bằng cách giảm bớt chi phí và thời gian xử lý giao dịch. Được giám sát bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, đến năm 2019, hệ thống CIPS đã xử lý khối lượng giao dịch lên tới 135,7 tỷ NDT (19,4 tỷ USD) mỗi ngày với các đối tác từ tổng cộng 96 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trước khi CIPS ra mắt, việc thanh toán bằng đồng NDT qua biên giới cần được thực hiện thông qua những ngân hàng giao dịch chấp nhận đồng NDT ở các địa điểm xa như Singapore và London (Anh) với sự hỗ trợ của một ngân hàng tương ứng ở Đại lục.
Báo cáo của BoC được đưa ra trong bối cảnh các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang cân nhắc rủi ro một khi bị Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính như loại khỏi hệ thống thanh toán USD. Trước đó, hồi cuối tháng 6, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc Fang Xinghai cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự rằng Trung Quốc hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống thanh toán bằng đồng USD của Mỹ trong các giao dịch quốc tế, do đó rất dễ chịu tác động nghiêm trọng nếu bị Mỹ áp lệnh trừng phạt. “Những điều như vậy đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính của Nga. Chúng ta nên chuẩn bị sớm, ý tôi là một biện pháp chuẩn bị thực sự chứ không phải chuẩn bị về mặt tâm lý” - ông Fang Xinhai nhấn mạnh.
Báo cáo dựa trên phân tích hàng loạt các biện pháp tiềm năng mà Mỹ có thể áp dụng để trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc như cắt quyền truy cập vào dịch vụ xác nhận tin nhắn chuyển tiền thanh toán quốc tế SWIFT, một mạng lưới đang được sử dụng bởi các ngân hàng toàn cầu trong việc thực hiện các giao dịch tài chính. Theo đó, BoC đề xuất một khi Mỹ thực hiện các hành động cực đoan như cắt quyền truy cập của một số ngân hàng Trung Quốc vào hệ thống thanh toán quốc tế đồng USD, Bắc Kinh cũng nên xem xét các động thái trả đũa như ngừng sử dụng đồng USD làm tiền tệ kiểm soát hối đoái.
Ngân hàng này đồng thời khuyến nghị Bắc Kinh xây dựng đạo luật tương tự như Đạo luật Ngăn chặn (Blocking Statute) của EU cho phép các công ty EU duy trì quan hệ kinh doanh thương mại hợp pháp với Iran bất chấp của các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới Huawei đã bị bắt tại sân bay Canada theo yêu cầu của Mỹ do cáo buộc gian lận ngân hàng, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.