Quan chức Bắc Kinh lo Mỹ "hất cẳng" Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán USD

23/06/2020 12:41 GMT+7
Một quan chức Bắc Kinh mới đây cảnh báo nước này cần chuẩn bị cho những rủi ro bị loại khỏi hệ thống thanh toán USD trong trường hợp Mỹ áp lệnh trừng phạt lên các doanh nghiệp, ngân hàng Trung Quốc như những gì từng làm với Nga trước đây.
Quan chức Bắc Kinh lo Mỹ "hất cẳng" Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán USD - Ảnh 1.

Hệ thống thanh toán USD đang chiếm thị phần chủ yếu trong các hoạt động giao dịch quốc tế, theo thống kê của SWIFT

Fang Xinghai, phó chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc cho biết Trung Quốc hiện đang phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống thanh toán bằng đồng USD của Mỹ trong các giao dịch quốc tế, do đó rất dễ chịu tác động nghiêm trọng nếu bị Mỹ áp lệnh trừng phạt.

“Những điều như vậy đã xảy ra với nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính của Nga. Chúng ta nên chuẩn bị sớm, ý tôi là một biện pháp chuẩn bị thực sự chứ không phải chuẩn bị về mặt tâm lý” - ông Fang Xinhai tuyên bố tại diễn đàn kinh tế trực tuyến do hãng truyền thông Trung Quốc Caixin tổ chức.

Cảnh báo của ông Fang được đưa ra đúng thời điểm Washington được cho là đang cân nhắc việc sử dụng vai trò quan trọng của hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD để trừng phạt các công ty, tổ chức tài chính và cả cá nhân Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương và Hồng Kông.

Hệ thống thanh toán bằng đồng USD được xem là xương sống của lĩnh vực thương mại và đầu tư quốc tế. Nó được hỗ trợ, củng cố bởi những cơ sở hạ tầng vững mạnh như hệ thống xác nhận tin nhắn chuyển tiền thanh toán quốc tế SWIFT bảo mật cao và Hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (CHIPS).

Cho đến cuối tháng 5/2020, hệ thống thanh toán đồng USD vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng thị phần thanh toán tiền tệ quốc tế với 40,88% các giao dịch thanh toán quốc tế. Xếp ở vị trí thứ hai là đồng EUR với 32,9%, thứ ba là Yên Nhật với 32,9%. Trong khi đó, các giao dịch thanh toán quốc tế bằng đồng NDT (Trung Quốc) hiện chỉ chiếm 1,79%, xếp ở vị trí thứ sáu, theo dữ liệu của hệ thống SWIFT.

Bài phát biểu của ông Fang Xinhai cho thấy các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang thực sự cân nhắc rủi ro một khi bị Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt tài chính như loại khỏi hệ thống thanh toán USD. Điều này sẽ cản trở nghiêm trọng khả năng thực hiện các giao dịch quốc tế cũng như hoạt động kinh doanh thương mại toàn cầu của Trung Quốc. Dù vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng khả năng Trung Quốc bị đối xử như Nga là rất thấp, dựa trên cách phản ứng của Nhà Trắng với Bắc Kinh và Moscow tại nhiều sự kiện. 

Ví dụ, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cho hay ông đã hoãn việc áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với các quan chức Trung Quốc tham gia vào cuộc đàn áp tộc người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương vì quan ngại điều này ảnh hưởng đến cuộc đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Nhưng với Nga, Quốc hội Mỹ đã lập tức áp đặt lệnh trừng phạt sau cáo buộc “xâm lược” Ukraine, can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ, lạm dụng nhân quyền, sử dụng vũ khí hóa học, giao thương bất hợp pháp với Triều Tiên, viện trợ cho Syria và Venezuela...

Tuy nhiên nhìn chung, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bắt đầu tách rời trong lĩnh vực tài chính. Mới đây nhất, Mỹ đã siết chặt chính sách quản lý các công ty, đặc biệt là công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, bao gồm cả những gã khổng lồ công nghệ như Alibaba, NetEase và JD.com. Động thái như vậy đã thúc đẩy Alibaba và JD.com niêm yết thứ cấp trên sàn Hồng Kông.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc quốc tế hóa sử dụng đồng NDT. Đồng tiền này hiện đã được xếp vào các loại tiền tệ dự trữ, một đơn vị thanh toán được chấp nhận tại Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF. Nhưng việc sử dụng thường xuyên đồng NDT trong các giao dịch quốc tế vẫn còn hạn chế hơn rất nhiều so với sự phổ biến của đồng USD.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục