Các ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra” trong năm 2021?
Lợi nhuận ngân hàng vượt mục tiêu, lộ diện ngân hàng lợi nhuận tỷ USD năm 2020
Chia sẻ với truyền thông ngày 6/1, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietcomBank cho biết, trong năm 2020 lợi nhuận của ngân hàng đạt hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 tỷ USD.
Cùng ngày, tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của VietinBank, Chủ tịch Lê Đức Thọ cũng tiết lộ, nhà băng này ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế riêng lẻ hơn 16.400 tỷ đồng.
Cách đó không lâu, ngày 29/12 nhà băng này đã chính thức phê duyệt mục tiêu tài chính năm 2020 với mực tiêu lợi nhuận khiêm tốn, chỉ 10.400 đồng trước thuế và lợi nhuận riêng lẻ trước thuế là 10.080 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận năm 2020 của VietinBank giảm 11,7% so với mức thực hiện năm 2019.
Tuy nhiên, với kết quả vừa công bố, VietinBank đã vượt qua con số mục tiêu ngân hàng đề ra trước đó.
Không chỉ các "ông lớn" quốc doanh, bức tranh lợi nhuận tại một số ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân công bố sớm cũng tích cực.
Ngay từ đầu năm 2021, TPBank cho biết, kết thúc năm 2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ cũng có mức tăng trưởng tốt, khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động của TPBank trong năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019.
Điều đáng nói, nhờ tiết giảm chi phí, hưởng lợi từ ngân hàng số nên dù gặp nhiều tác động từ Covid-19 và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng, lợi nhuận trước thuế của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch.
MSB cũng vừa công bố kết quả kinh doanh ước tính năm 2020 với tổng tài sản tăng 13% so với 2019, đạt mức trên 178 nghìn tỷ; tổng thu nhập thuần đã tăng gần 52% so với năm 2019 lên mức 7.013 tỷ đồng, trong đó, thu nhập lãi ròng ghi nhận kết quả 4.705 tỷ, (tăng 57% so với năm trước).
MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm 2020 đạt 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 94% so với năm 2019 và bằng 174% kế hoạch đặt ra.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng 17% trong năm 2021?
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong năm 2020 dù dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, thế nhưng ngành ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả "sáng" bất chấp tăng trưởng tín dụng giảm.
Động lực giúp nhiều ngân hàng vượt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận đến từ việc gia tăng nguồn thu từ dịch vụ, bán chéo bảo hiểm hoặc tập trung vào các lĩnh vực tín dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân như mua nhà, mua xe... cũng được các ngân hàng chú trọng để ''cứu'' lợi nhuận.
Lãnh đạo TPBank chia sẻ, mặc dù biên lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm đáng kể do ngân hàng đã chủ động giảm lãi vay cho khách hàng hiện hữu và hạ lãi suất cho vay mới, nhưng nhờ dư nợ tín dụng vẫn tăng trưởng tích cực và thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu từ dịch vụ và bảo hiểm tăng cao, đã giúp cho tổng doanh thu vẫn tăng trưởng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho biết, đạt được kết quả cao trong năm 2020 là nhờ tổng thu nhập ngoài lãi của ngân hàng cũng tăng đến 42%/năm, đóng góp hơn 2.300 tỷ cho tổng thu nhập thuần. Đặc biệt, thu thuần về hoạt động dịch vụ tăng đến 50%.
Fitch Ratings dự báo, năm 2021, thu nhập của các ngân hàng sẽ phục hồi nhờ kiểm soát chặt hơn chi phí, hoạt động cho vay dần khởi sắc. Song sự phục hồi sẽ phần nào bị hạn chế do biên lãi ròng thu hẹp, đặc biệt tại các ngân hàng quốc doanh.
Theo Fitch Ratings, vốn hóa của các ngân hàng Việt vẫn còn mỏng trước những rủi ro nhất định trong môi trường hoạt động trong nước. Dù vậy, hoạt động kinh tế phục hồi và khả năng sinh lời của các ngân hàng có thể sẽ tạo ra đủ lợi nhuận giữ lại để hỗ trợ tăng trưởng trong ngắn hạn, giúp ổn định tỷ lệ vốn hóa.
Dưới góc nhìn tư vấn, SSI Research nhận định triển vọng chung của ngành ngân hàng trong 2021 tốt hơn so với ước tính trước đây do ít bị ảnh hưởng từ đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19.
Nhóm chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán này cũng điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận trước thuế cho các ngân hàng nghiên cứu cho năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 110.700 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và 129.300 tỷ đồng, tăng 17%.
Cụ thể, ước tính lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng thương mại Nhà nước giảm 6% trong năm 2020 và sau đó phục hồi 22% trong năm 2021. Ước tính lãi trước thuế của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ tăng 9% trong năm 2020 và tăng 14% trong năm 2021.
Mặt khác, SSI Research cũng đề cập việc trích lập dự phòng sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến ước tính lợi nhuận và rủi ro tín dụng sẽ vẫn tồn tại trong năm 2021 trở đi. Rủi ro lợi nhuận với các ngân hàng bao gồm tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn, nền kinh tế phục hồi chậm hơn ước tính và dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại.