Cách tính thuế theo từng lần phát sinh áp dụng từ ngày 01/8/2021

27/06/2021 11:00 GMT+7
Cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định nộp thuế theo từng lần phát sinh. Dưới đây là cách tính thuế theo từng lần phát sinh áp dụng từ ngày 01/8/2021.

Quy định về phương pháp tính thuế theo từng lần phát sinh

Điều 6 Thông tư 40/2021/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh như sau:

* Đối tượng áp dụng

- Phương pháp khai thuế theo từng lần phát sinh áp dụng đối với cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định. Kinh doanh không thường xuyên được xác định tuỳ theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn phương pháp khai thuế theo hướng dẫn tại Thông tư 40/2021/TT-BTC. Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: Địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi hoặc địa điểm tương tự khác.

- Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh bao gồm:

+ Cá nhân kinh doanh lưu động;

+ Cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân;

+ Cá nhân chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”;

+ Cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số nếu không lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.

* Chế độ kế toán: Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh không bắt buộc phải thực hiện chế độ kế toán, nhưng phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp và xuất trình kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh.

* Thời điểm khai thuế: Cá nhân kinh doanh thực hiện khai thuế khi có phát sinh doanh thu chịu thuế.

Cách tính thuế theo từng lần phát sinh áp dụng từ ngày 01/8/2021 - Ảnh 1.

Hướng dẫn cách tính thuế theo từng lần phát sinh

- Căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

- Xác định số thuế phải nộp:

Số thuế GTGT phải nộp

=

Doanh thu tính thuế GTGT

x

Tỷ lệ thuế GTGT

Số thuế TNCN phải nộp

=

Doanh thu tính thuế TNCN

x

Tỷ lệ thuế TNCN

Trong đó:

+ Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền; các khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội, phí thu thêm được hưởng theo quy định; các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế TNCN); doanh thu khác mà hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

+ Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu

. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN áp dụng chi tiết đối với từng lĩnh vực, ngành nghề theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 40/2021/TT-BTC.

. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoạt động nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Khai, nộp thuế theo từng lần phát sinh

Căn cứ Điều 12 Thông tư 40/2021/TT-BTC, hồ sơ, hạn nộp hồ sơ và hạn nộp thuế của cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh như sau:

* Hồ sơ khai thuế

Hồ sơ khai thuế gồm:

- Tờ khai thuế theo mẫu số 01/CNKD.

- Các tài liệu kèm theo hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh gồm:

+ Bản sao hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;

+ Bản sao biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;

+ Bản sao tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất;...

Cơ quan thuế có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu, xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính.

* Nơi nộp hồ sơ khai thuế

- Cá nhân kinh doanh lưu động thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động kinh doanh.

- Trường hợp cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân cư trú (thường trú hoặc tạm trú).

- Cá nhân có thu nhập từ chuyển nhượng tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn” thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú. Trường hợp cá nhân chuyển nhượng là cá nhân không cư trú thì nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp tổ chức quản lý tên miền internet quốc gia Việt Nam “.vn”.

- Trường hợp cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân thì nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế quản lý trực tiếp nơi cá nhân phát sinh hoạt động xây dựng.

* Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế: Chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế.

* Thời hạn nộp thuế: Chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Trường hợp khai bổ sung hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế có sai, sót.


PV
Cùng chuyên mục