Ma trận gọi vốn đa cấp trên nền tảng mạng xã hội

26/06/2021 06:38 GMT+7
Hiện tại, trước sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đang gây ra nhiều thách thức với các cơ quan quản lý.

Trước đây, các đơn vị kinh doanh đa cấp thường tổ chức buổi hội họp tụ tập hàng trăm người chật kín hội trường, hô vang khẩu hiệu. Hiện nay, tận dụng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, TelegramX, Viber, Zoommeeting… các đơn vị này đã thu hút, lôi kéo người tham gia theo kiểu mới.

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, chỉ với một chiếc điện thoại smartphone, các đối tượng đã có thể kêu gọi và vận động người tham gia các hoạt động có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép như: Huy động đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, quyền chọn nhị phân… trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Qua đó, hoạt động kinh doanh đa cấp đã biến tướng cực kỳ phức tạp và gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thu thập thông tin và chứng cứ để xử lý do hạn chế về thẩm quyền.

Ma trận gọi vốn đa cấp trên nền tảng mạng xã hội - Ảnh 1.

Hiện tại, trước sự phát triển của các nền tảng công nghệ, mạng xã hội, hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng đang gây ra nhiều thách thức với các cơ quan quản lý. Ảnh minh họa

Cụ thể, ông Tuấn cho rằng, dạng thức kinh doanh đa cấp biến tướng thời 4.0 với đối tượng kinh doanh rất đa dạng như: Lạm dụng sản phẩm công nghệ, lạm dụng các thuật ngữ mang xu hướng thời đại công nghệ như: Blockchain 3.0, big data, trí tuệ nhân tạo, hợp đồng thông minh, hệ sinh thái số, wifi 5G…

"Qua đó, những người thiếu hiểu biết khi nghe sẽ lầm tưởng đây là những sản phẩm đi đầu thời đại và rất đáng để đầu tư. Hay thông qua mạng xã hội, các đối tượng thường đưa ra những viễn cảnh về một mạng xã hội hướng tới lợi ích của toàn cộng đồng với việc toàn bộ lợi nhuận kiếm được từ các hoạt động quảng cáo, đầu tư của mạng xã hội này sẽ được chia cho người tham gia và làm các hoạt động từ thiện.

Bên cạnh các hình thức trên, các đối tượng tổ chức hoạt động đa cấp trái phép còn núp bóng hoạt động thương mại điện tử thông qua website thương mại điện tử như: Siêu thị trực tuyến An Phát Thịnh; ứng dụng mua sắm hoàn tiền… Mức chiết khấu cho mỗi giao dịch theo hình thức này thường từ 8-100%, thậm chí cao hơn dành cho cả bên bán và bên mua. 

Ngoài ra, hoạt động đa cấp bất chính còn núp bóng dưới dạng các sàn đầu tư tài chính như: Foreign Exchange hay Forex; đầu tư quyền chọn nhị phân như: Binary Options hay BO...", đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Trước bối cảnh trên, để hoạt động quản lý có hiệu quả, ông Tuấn cho rằng, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng công nghệ 4.0 như hiện nay tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xấu cho xã hội.

Do vậy việc cảnh báo và xử lý các đối tượng này cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan. Việc xử lý không chỉ sử dụng biện pháp hành chính mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.

Mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã công khai lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trước đó, ngày 12/3/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Qua đó, bổ sung nhiều quy định nâng cao tính minh bạch trong của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương cho hay, qua hơn 3 năm triển khai, các cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp nhận thấy các quy định pháp luật vẫn cần phải được sửa đổi, hoàn thiện.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục