Camimex Group: Chi hơn 180 tỷ mua cổ phần Camimex Foods và tham vọng khi liên tục tăng vốn

06/08/2021 09:19 GMT+7
Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Camimex Group (CMX) vừa thông qua chủ trương mua 18,09 triệu cổ phiếu của Camimex Foods.

Camimex Group mua 18,09 triệu cổ phiếu của Camimex Foods

Trong 18,09 triệu cổ phiếu nói trên, Camimex Group nhận chuyển nhượng từ cổ đông sáng lập là 8,09 triệu cổ phiếu và mua thêm 10 triệu cổ phần do Công ty cổ phần Camimex Foods phát hành. Tổng giá trị giao dịch ước tính là 180,9 tỷ đồng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2020, Camimex Group sở hữu 46% vốn điều lệ tại Camimex Foods - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản.

Trong quý II, doanh thu thuần của CMX đạt 718 tỷ đồng, tăng 68%. Giá vốn tăng 74% đẩy lãi gộp xuống 65 tỷ đồng, chỉ còn tăng 27%.

Doanh thu tài chính giảm từ 35% về 2,2 tỷ đồng. Cùng với đó, loạt chi phí tăng lên làm thu hẹp tốc độ tăng trưởng của lợi nhuận. Kết quả, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 7% xuống 16,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu của Camimex Group tăng 31% so với nửa đầu năm 2020, đạt 932,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 16%, đạt 32,4 tỷ đồng. So với mục tiêu 1.628,7 tỷ đồng doanh thu thuần và 73 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa đầu năm.

Camimex Group: Chi hơn 180 tỷ mua cổ phần Camimex Foods và tham vọng khi liên tục tăng vốn - Ảnh 1.

Camimex Group đang sở hữu 46% vốn điều lệ tại Camimex Foods - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Ảnh CMX

Tính đến cuối quý II/2021, Camimex Group có quy mô tổng tài sản 1.593,3 tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. Trong đó, khoản phải thu có giá trị 487 tỷ đồng, tăng mạnh 62% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản.

Dù giá trị tồn kho trong kỳ giảm 14% so với đầu năm, xuống 517,8 tỷ đồng, nhưng với tổng giá trị khoản phải thu và tồn kho lên đến gần 1.005 tỷ đồng, Camimex Group phải duy trì nợ vay ở mức cao để bổ sung vốn lưu động. Dư nợ vay đến cuối kỳ đạt 690,3 tỷ đồng, trong đó 94% là vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 117%.

Trong khi đó, giá trị tiền của Camimex Group cuối kỳ khá thấp, với 2,3 tỷ đồng tiền mặt và 8,2 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn tại ngân hàng.

Năm nay, Camimex Group đặt mục tiêu 1.629 tỷ đồng doanh thu thuần và 73 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt tăng 14% và 21,7% so với thực hiện năm trước. Như vậy, sau nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 57% kế hoạch doanh thu và 43% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại thời điểm cuối quý, doanh nghiệp nuôi tôm sinh thái có 487 tỷ đồng khoản phải thu, tăng mạnh 62% so với đầu năm và chiếm 47% tổng tài sản. Song lượng tiền mặt giảm 63% về mức 2,3 tỷ đồng chủ yếu do trả nợ gốc vay hơn 1.020 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm 14% xuống 517,8 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, Camimex Group còn khoảng 690 nợ vay, trong đó 94% là vay ngắn hạn. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 117%.

Camimex Group liên tục tăng vốn 

Trên trang Đầu tư chứng khoán cho hay, cuối tháng 7/2021, HĐQT Camimex Group công bố nghị quyết triển khai kế hoạch phát hành 30,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn lên gấp đôi với giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu. Qua đó, Công ty dự kiến thu về 304 tỷ đồng để trả nợ vay, công nợ công ty con - Công ty cổ phần Camimex và bổ sung vốn lưu động mua tôm nguyên liệu.

Đây là đợt chào bán cho cổ đông thứ hai theo phương án được Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 thông qua sau khi thực hiện đợt chào bán tăng vốn gấp đôi trong quý I/2020. Quá trình tăng vốn của Camimex Group sẽ chưa dừng lại khi tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, HĐQT Công ty đã trình và được thông qua phương án phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phiếu để đầu tư các dự án đang triển khai và bổ sung vốn lưu động.

Theo đó, giá chào bán do HĐQT Camimex Group xác định nhưng không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân 10 ngày liên tiếp trước ngày ban hành nghị quyết triển khai phương án phát hành riêng lẻ. Nếu hoàn tất các đợt phát hành này, dự kiến vốn điều lệ của Công ty tăng lên hơn 900 tỷ đồng, gấp 6,8 lần đầu năm 2020.

Việc liên tục tăng vốn cho thấy tham vọng khá lớn của Ban lãnh đạo Camimex Group trong định hướng xây dựng doanh nghiệp sở hữu chuỗi giá trị tôm khép kín trong mô hình tập đoàn nhiều đơn vị thành viên, trong đó, mỗi công ty phụ trách một mảng riêng, độc lập, nhưng liên kết thành chuỗi giá trị. Tuy vậy, trong ngắn hạn, các chỉ số hiệu suất sinh lời của Công ty chịu ảnh hưởng đáng kể khi lợi nhuận không theo kịp đà tăng vốn.

Cũng liên quan đến Camimex Group, trước đó doanh nghiệp này vừa quyết định thoái vốn khỏi Công ty TNHH Liên doanh Công nghệ cao Camimex (Camimex Hitech). 

Trên thực tế, Camimex Group chưa từng rót tiền vào Camimex Hitech nên quyết định “thoái vốn” nêu trên chỉ là một hành động mang tính thủ tục để nhượng lại quyền góp vốn cho đối tác khác.

Tham vọng của Camimex khi có ý định đầu tư vào Camimex Hitech nằm trong mục tiêu nghiên cứu việc triển khai công trình dự án nuôi trồng thủy sản tuần hoàn theo công nghệ RAS (Recirculating Aquaculture Systems) của Isarel. Đây cũng là một những án nằm trong các kế hoạch năm 2021 mà Camimex đặt ra.

Dự án này nhằm nâng cao năng suất, gia tăng tỷ lệ tự chủ nguyên liệu với sản lượng 2.000 tấn tôm/ năm, chất lượng thủy sản nuôi trồng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hệ thống RAS nếu được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào vận hành được kỳ vọng sẽ cho mật độ thả giống và tỷ lệ sống sót của tôm cao hơn, không còn phụ thuộc vào mùa vụ hoặc thời tiết, tăng năng suất gấp nhiều lần.

Bên cạnh đó, nước cùng với chất thải được xử lý cơ học và sinh học, rồi được đưa lại về bể nuôi nhằm hạn chế chất thải ra môi trường xung quanh. Không chỉ tái sử dụng nước, RAS còn cho phép kiểm soát chất lượng nước, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 5/8, CMX có giá 12.450 đồng/cổ phiếu.

Công ty cổ phần Camimex Group có tiền thân là Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà mau, trụ sở chính tại 333 Cao Thắng, phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Công ty được thành lập từ năm 1977, là một trong những công ty đầu tiên của ngành thuỷ sản Việt Nam.

Theo quyết định số 911/QĐ-UBND ngày 08/11/2005 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, Công ty chế biến thủy sản và xuất nhập khẩu Cà mau được phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần.



An Vũ
Cùng chuyên mục