Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo: Gánh nặng chi phí đe dọa nỗ lực phát triển bền vững

05/08/2021 11:20 GMT+7
Chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng tăng vọt khiến tình hình kinh doanh của 3 doanh nghiệp đứng đầu ngành gạo là Lộc Trời (LTG), Thực phẩm An Giang (AFX) và Trung An Rice (TAR) không được như kỳ vọng.

Lợi nhuận từ ngành gạo chưa như kỳ vọng

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCOM: LTG) tổ chức ngày 23/5 đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự kiến 14.155 tỷ đồng, tăng 88,5% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế 507 tỷ đồng, tăng 8,5%.

6 tháng đầu năm doanh thu thuần của Lộc Trời  đạt 5.121 tỷ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Do giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lợi nhuận gộp đạt gần 941 tỷ đồng tăng hơn 63% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 18,3%, trong khi đó cùng kỳ năm 2020 đạt 26,21%.

Lợi nhuận trước thuế nửa năm 2021 của LTG đạt 293,9 tỷ đồng tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quản này, sau 6 tháng đầu năm, công ty mới đạt 36% doanh thu nhưng đã đạt hơn 51% lợi nhuận.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo: Gánh nặng chi phí đe dọa nỗ lực phát triển bền vững - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh 6 tháng/2021 các doanh nghiệp chế biến gạo. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Trung An Rice;  tổ chức tháng 4/2021 cũng thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021, với mục tiêu doanh thu thuần 3.500 tỷ đồng, tăng 29% so với 2020; lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, tăng hơn 25%.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của TAR giảm 21%, đạt gần 1.300 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 8%. So với mục tiêu, TAR mới thực hiện hơn 37% kế hoạch doanh thu và 20% chỉ tiêu lợi nhuận năm.

Tương tự, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 đạt 349,8 tỷ đồng giảm 19,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 7,3 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp của AFX chỉ đạt 1%.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo: Gánh nặng chi phí đe dọa nỗ lực phát triển bền vững - Ảnh 2.

Biên lợi nhuận các doanh nghiệp chế biến gạo kỳ 6 tháng. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Trong khi đó, năm 2021, AFX đặt kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu là 984,49 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 48,96 tỷ đồng. Như vậy, 6 tháng đầu năm, AFX mới đạt được 35,5% doanh thu và 14,9% lợi nhuận.

Như vậy, nửa năm 2021, Lộc Trời là doanh nghiệp cho thấy khả năng sinh lời và sức cạnh tranh của công ty là tốt nhất, với biên lợi nhuận gộp đạt 18,3%, trong khi đó, chỉ số này AFX chỉ đạt 1%.

Gánh nặng chi phí khiến lợi nhuận sụt giảm?

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm, giá trị xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu giảm 14% so với cùng kỳ xuống 3,03 triệu tấn và giá bán bình quân tăng 12% lên 545 USD/tấn.

Philippines – thị trường xuất khẩu gạo quan trọng nhất đã giảm sản lượng nhập khẩu xuống 1.093 ngàn tấn, tương đương giảm 21%. Tương tự, thị trường Malaysia cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh 56% , còn 151 ngàn tấn.

Có hai nguyên nhân chính dẫn đến sản lượng xuất khẩu sụt giảm là: Philippines chủ động giảm nhập khẩu gạo khi vụ thu hoạch năm nay được mùa, dự kiến tổng sản lượng gạo nội địa năm 2021 của Philippines sẽ đạt 12,4 triệu tấn tăng 4%; Không có đủ container đóng hàng để xuất khẩu.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo: Gánh nặng chi phí đe dọa nỗ lực phát triển bền vững - Ảnh 3.

Lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo bị ảnh hưởng nặng

Trong khi đó, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc, Ghana, Singapore, Bangladesh và Hongkong ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Đặc biệt, Bangladesh từ nước tự cung tự cấp gạo đã phải chuyển sang nhập khẩu gạo với số lượng lớn khi vụ mùa năm trước bị tàn phá bởi những trận lũ lớn.

Sản lượng xuất khẩu gạo giảm sâu này được lý giải do có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp cùng ngành trong nước và các doanh nghiệp nước ngoài như: Thái Lan, Ấn Độ, Campuchia…

Ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An cho rằng, đặc thù kinh doanh của ngành gạo chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của rất nhiều yếu tố khách quan không chỉ ở trong nước mà còn ở ngoài nước.

Đặc biệt, 6 tháng qua do ảnh hưởng mạnh mẽ của đại dịch Covid-19 bùng phát và hiện đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát...một số công ty, nhà máy rơi vào tình trạng tạm ngừng sản xuất.

Trong đó, có các nhà máy bao bì, các đơn vị vẫn chuyển, cộng hưởng với việc thiếu hụt container rỗng, từ đó là đứt gẫy chuỗi cung ứng liên tục, gia tăng chi phí bán hàng của TAR lên 91% so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử là cước vận chuyển quốc tế tăng gấn 2,3 lần đối với các thị trường châu Á và gấp 3 lần đối với thị trường châu Âu.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo: Gánh nặng chi phí đe dọa nỗ lực phát triển bền vững - Ảnh 4.

Chi phí bán hàng tăng mạnh ở các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguồn: Số liệu báo cáo tài chính

Bên cạnh đó, để đảm bảo công ty hoạt động sản xuất liên tục không bị gián đoạn trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, TAR có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lương, mua trang thiết bị bảo hộ lao động phòng chống lây nhiễm, hỗ trợ suất ăn... từ đó làm tăng chi phí quản lý doanh nghiệp 29% so với cùng kỳ.

Tương tự như vậy, CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang cũng cho hay, 6 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kéo dài và tình hình thương mại, vận tải trên thế giới diễn tiến xấu dẫn đến giá cả nguyên liệu tăng mạnh, ảnh hưởng đến giá vốn và lợi nhuận gộp của Công ty.

Khả quan hơn 2 doanh nghiệp trên,  6 tháng đầu năm Lộc Trời  có doanh thu thuần đạt tổng doanh thu đạt 5.121,4 tỷ đồng cao gấp 2,3 lần cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do giá vốn hàng bán cũng tăng cao nên lợi nhuận gộp đạt gần 941 tỷ đồng tăng hơn 63% so với quý 2/2020. Theo đó, biên lợi nhuận gộp 6 tháng 2021 đạt 18,3%, trong khi đó cùng kỳ năm 2020 đạt 26,21%.

Kỳ vọng nào cho DN ngành gạo 6 tháng cuối năm?

Mặc dù khó khăn chồng khó khăn nhưng cũng có những điểm sáng với tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu năm 2021 sẽ đạt 6,3 triệu tấn tăng 2,2% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu gạo tăng ở các nước Trung Quốc, Bangladesh và Hàn Quốc.

Theo dự báo, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc sẽ tăng 600 ngàn tấn còn Bangladesh lên tới 1.680 ngàn tấn.

Trong đó, Bangladesh sẽ phần lớn nhập khẩu gạo Ấn Độ (do yếu tố địa lý và giá bán) nhưng Chính phủ nước này cũng chủ động đa dạng nguồn cung khi nhập khẩu thêm từ Thái Lan và Việt Nam nhằm hạn chế rủi ro.

Gánh nặng chi phí tài chính, lợi nhuận DN ngành gạo sụt giảm 6 tháng đầu năm - Ảnh 4.

Mặc dù khó khăn chồng khó khăn nhưng cũng có những điểm sáng với tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng cuối năm. Ảnh tư liệu

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng sẽ nhập khẩu 22.222 tấn gạo, dự kiến sẽ giao hàng trong tháng 9, tháng 10 năm nay. Đây là tín hiệu tích cực do cả năm 2020, Hàn Quốc không nhập khẩu gạo từ nước ta.

Thêm nữa, việc cạnh tranh gạo của nước ta với Thái Lan cũng không quá căng thẳng do nguồn cung gạo nước này có phần hạn chế vì ảnh hưởng của hạn hán và giá gạo cũng không quá cạnh tranh như giá gạo Ấn Độ.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán đều nhận định triển vọng tích cực với các doanh nghiệp ngành gạo.

Chứng khoán VnDirect cho rằng, LTG đã có các đơn hàng cố định trong nước và quốc tế do đó kỳ vọng giá gạo thế giới tăng sẽ hỗ trợ cho doanh thu xuất khẩu của công ty và cải thiện biên lợi nhuận mảng gạo. Bên cạnh đó, trong năm 2021, LTG sẽ tập trung vào các đơn hàng xuất khẩu sang EU với mặt hàng gạo thơm Jasmine 85 để được hưởng ưu đãi thuế 0% trong khuôn khổ hiệp định EVFTA.

Còn Chứng khoán Rồng Việt nhìn nhận: Diễn biến thời tiết thuận lợi, cùng với chiến lược đẩy mạnh bán hàng qua kênh dịch vụ nông nghiệp đã giúp hoạt động kinh doanh của LTG khởi sắc từ quý 4/2020. Kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2021. Các mảng kinh doanh chính của LTG, đặc biệt ở mảng thuốc bảo vệ thực vật và gạo, sẽ hồi phục khả quan hơn dự báo trước đây.

Tương tự, trên thế giới, dù dịch bệnh được kiểm soát nhưng các quốc gia nhập khẩu gạo vẫn được kỳ vọng có nhu cầu tiêu thụ và dự trữ gạo vẫn ở mức cao từ đó tạo thuận lợi cho xuất khẩu tiêu thụ gạo của AFX.

Trong năm 2020, AFX cũng đã hoàn thành dự án Hệ thống chế biến gạo cao cấp tại kho Mỹ Thới với tổng giá trị 2,6 tỷ đồng.


An Vũ
Cùng chuyên mục