Vai trò lớn của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trên bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung

29/05/2021 06:06 GMT+7
Việc Phó Thủ tướng Lưu Hạc - nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đóng vai trò dẫn dắt các cuộc đàm phán Mỹ Trung đang cho thấy ý đồ của Bắc Kinh trong việc duy trì tính nhất quán của chính sách cũng như tầm quan trọng của thương mại trong quan hệ song phương.

Cuộc điện đàm đầu tiên giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc và Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai hôm 27/5 không chỉ đại diện cho lần đàm phán thương mại thứ nhất giữa hai nước kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, mà còn tái khẳng định cách tiếp cận của Bắc Kinh đối với các cuộc đàm phán thương mại song phương, theo truyền thông Trung Quốc.

Một bài báo được đăng tải trên Taoran Notes, một tài khoản mạng xã hội liên kết với Nhật báo Kinh tế nhà nước do chính phủ Trung Quốc quản lý cho biết cuộc điện đàm kéo dài 45 phút đã kết thúc bằng một hướng đi mới, trong đó hai bên thống nhất sẽ triển khai thêm các cuộc đối thoại liên quan về vấn đề kinh tế và thương mại.

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời một cố vấn chính phủ cho biết: “Vai trò hàng đầu của Phó Thủ tướng Lưu Hạc trong các cuộc đàm phán kinh tế đã chỉ ra quyết định của Bắc Kinh trong việc duy trì tính nhất quán chính sách và quan hệ thương mại với chính quyền mới của Mỹ”.

Vai trò lớn của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trên bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Vai trò lớn của Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trên bàn đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Trong cuộc điện đàm, ông Lưu Hạc và bà Katherine Tai được cho là đã có một cuộc trao đổi “thẳng thắn, thực tế và mang tính xây dựng” về “tầm quan trọng của mối quan hệ thương mại” giữa hai nước.

Bài đăng trên Taoran Notes nhấn mạnh: “Thương mại vẫn là lĩnh vực đóng vai trò quan trọng nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ Trung, ngăn chúng đi lệch hướng và vượt qua lằn ranh đỏ”.

Tuy nhiên, cuộc thảo luận giữa hai quan chức thương mại cấp cao hoàn toàn không đề cập đến thỏa thuận thương mại Mỹ Trung mà Bắc Kinh đã ký hồi tháng 1/2020 với chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Vị cố vấn chính phủ cho biết: “Nếu không có thỏa thuận thương mại, xung đột song phương sẽ đối mặt với nguy cơ mất kiểm soát cao. Một thỏa thuận, dù tốt hay xấu, đều có thể tạo bước đệm cho quan hệ song phương”. Ông này cho hay quan hệ Mỹ Trung vẫn còn nhiều rạn nứt, tuy nhiên Bắc Kinh có thể dùng hành động cụ thể để thể hiện sự chân thành trong việc tái thiết lập mối quan hệ cởi mở hơn và củng cố lòng tin từ Mỹ.

Mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong bốn thập kỷ trong những tháng gần đây với hàng loạt xung đột xoay quanh vấn đề công nghệ, nguồn gốc đại dịch Covid-19 và mới đây nhất là các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương và Đài Loan.

Tuy nhiên, ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Renmin chỉ ra rằng dưới thời ông Biden, thương mại không còn là yếu tố quyết định trong quan hệ Mỹ Trung như thời Trump, khi ông Trump châm ngòi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. “Quan hệ thương mại vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong quan hệ tổng thể. Dù rằng hai bên vẫn đang ở trong một cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu cải thiện”.

Thủ tướng Lưu Hạc từng dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc trong các cuộc trao đổi thương mại trước đây với chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ thông tin trên báo chí rằng Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa (58 tuổi) sẽ thay thế ông Lưu Hạc (70 tuổi) trở thành đặc phái viên kinh tế hàng đầu trong vấn đề Mỹ. Các nhà quan sát cho biết ông Lưu Hạc - quan chức hàng đầu giám sát các vấn đề kinh tế, tài chính, đổi mới và cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc, vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong các vấn đề thương mại.


NTTD
Cùng chuyên mục