Trung Quốc kiểm soát DN niêm yết nước ngoài: rất khó tách rời thị trường vốn Mỹ - Trung

12/07/2021 13:34 GMT+7
Khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và người kế nhiệm Joe Biden nỗ lực ngăn chặn các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn của Mỹ, Bắc Kinh cũng đang hành động tương tự. Chính phủ Trung Quốc gần đây đã quyết định siết chặt kiểm soát các doanh nghiệp niêm yết tại nước ngoài.

Chính phủ Trung Quốc hôm 6/7 tuyên bố sẽ tăng cường giám sát các công ty Trung Quốc niêm yết tại nước ngoài. Thông báo được đưa ra ít ngày sau khi Bắc Kinh mở cuộc điều tra an ninh mạng nhằm vào gã khổng lồ gọi xe Didi Global ngay sau khi Didi có thương vụ niêm yết công khai lần đầu (IPO) trên sàn chứng khoán Mỹ, khiến cổ phiếu Didi tụt mạnh 20% trong phiên giao dịch ngay sau đó.

Chứng chỉ lưu ký của các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ được thống kê bởi Nasdaq Golden Dragon China Index đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ tháng 9/2016, thấp hơn cả thời điểm căng thẳng Mỹ Trung leo thang đỉnh điểm dưới thời ông Trump. Nasdaq Golden Dragon China Index theo dõi giá chứng chỉ lưu ký của 98 công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đã giảm 10,5% kể từ ngày 2/7 sau động thái của CAC với Didi Global. Điều này phản ánh sự choáng váng của thị trường cũng như tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.

Cho đến nay, Bắc Kinh chưa làm rõ các quy định siết chặt kiểm soát doanh nghiệp niêm yết tại nước ngoài. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho hay những doanh nghiệp nắm giữ dữ liệu của 1 triệu người dùng trở lên sẽ phải nộp đơn xin phê duyệt an ninh mạng trước khi IPO tại nước ngoài. Tức là gần như mọi doanh nghiệp muốn IPO ở nước ngoài đều phải trải qua sự kiểm soát an ninh mạng của Bắc Kinh.

Các nhà phân tích cho biết động cơ chính khiến Bắc Kinh hạn chế các doanh nghiệp nội địa tiếp xúc với thị trường vốn của Mỹ không gì khác ngoài nỗ lực bảo vệ dữ liệu và hạn chế sự phụ thuộc của các công ty đại lục vào thị trường vốn lớn nhất hành tinh. Tính đến 5/5, đã có 248 công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ với tổng vốn hóa thị trường lên tới 2,1 nghìn tỷ USD, theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung.

Nhà phân tích thị trường Fraser Howie nhận định: “Trung Quốc muốn các công ty niêm yết tại đại lục hoặc Hong Kong để các nhà quản lý nắm quyền kiểm soát chính với doanh nghiệp”.

Trung Quốc kiểm soát DN niêm yết nước ngoài: rất khó tách rời thị trường vốn Mỹ - Trung - Ảnh 1.

Sàn Hong Kong dẫn đầu trong các lựa chọn IPO của các công ty Trung Quốc đại lục trong năm nay (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Dấu hiệu của việc Bắc Kinh siết chặt quản lý dữ liệu đã được cảnh báo từ tháng 11 năm ngoái, khi các nhà quản lý Trung Quốc chặn thương vụ IPO tại Mỹ của công ty tài chính Ant Group trực thuộc Alibaba. Giá thị thị trường của Alibaba đã bốc hơi 300 tỷ USD kể từ đó đến nay. Các đại công ty công nghệ như Tencent và JD.com cũng chứng kiến vốn hóa thị trường bay hơi 310 tỷ USD kể từ mức đỉnh đạt được hồi tháng 2/2021 khi giới chức Bắc Kinh tìm cách siết chặt quản lý với lĩnh vực công nghệ.

Sau vụ việc của Didi, công ty dữ liệu y tế Trung Quốc LinkDoc đã trở thành cái tên đầu tiên từ bỏ kế hoạch IPO tại Mỹ. Các nhà quan sát dự báo sẽ còn nhiều công ty khác hủy kế hoạch IPO tại Mỹ tương tự như LinkDoc trong bối cảnh Bắc Kinh siết chặt giám sát như vậy.

Rất khó tách rời thị trường vốn Mỹ - Trung 

Nếu Trung Quốc muốn tăng cường áp lực lên các công ty có liên kết với Mỹ, một con đường khả thi là hạn chế “Mô hình sở hữu đặc biệt” - Variable Interest Entities (VIEs - tức là một cấu trúc kinh doanh trong đó một nhà đầu tư có lợi ích kiểm soát doanh nghiệp dù không nắm đa số quyền biểu quyết. Đây là mô hình chính cho các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động hay niêm yết ở nước ngoài. Thông qua VIEs, các công ty Trung Quốc được thành lập và cấp phép tại đại lục có thể chuyển lợi nhuận sang một thực thể khác ở nước ngoài với cổ phần thuộc sở hữu đầu tư nước ngoài. Mô hình này cho phép các công ty Trung Quốc kiểm soát quyền sở hữu nước ngoài.

Việc hạn chế VIEs có thể giết chết làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc IPO tại Mỹ, một kênh huy động vốn đầy tiềm năng của các công ty đại lục.

Bên cạnh đó, việc Bắc Kinh siết chặt quy định cũng làm mờ đi triển vọng tăng trưởng của các công ty đại lục, khiến chúng giảm sức hút trong mắt nhà đầu tư, mà vụ việc Ant Group là một ví dụ.

Các nhà đầu tư toàn cầu vẫn đang đổ tiền vào các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện do tiềm năng tăng trưởng bền vững. Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn nước ngoài đổ vào trái phiếu Trung Quốc đã tăng lên 83 tỷ USD. Sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu của quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục 3,68 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào tháng 5, theo dữ liệu của cơ quan quản lý.

Trung Quốc kiểm soát DN niêm yết nước ngoài: rất khó tách rời thị trường vốn Mỹ - Trung - Ảnh 2.

Sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu của quốc gia đã tăng lên mức kỷ lục 3,68 nghìn tỷ Nhân dân tệ vào tháng 5/2021 (Ảnh: Nikkei Asian Review)

Các nhà đầu tư cũng đã mua ròng 27 tỷ USD cổ phiếu của Trung Quốc thông qua liên kết các sàn giao dịch Hồng Kông, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Theo các nhà phân tích bao gồm Benzimra và Tianlei Huang tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, dấu hiệu này cho thấy việc tách rời thị trường vốn Trung Quốc và Mỹ khó mà xảy ra. “Ngay cả khi việc niêm yết tại Mỹ trở nên khó khăn hơn do sự kiềm chế của Bắc kinh, niêm yết tại Hong Kong hay Thượng Hải vẫn là lựa chọn khả thi và các nhà đầu tư Mỹ vẫn có thể đổ tiền vào doanh nghiệp Trung Quốc thông qua các sàn giao dịch này”.


NTTD
Cùng chuyên mục