Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung: Nhà Trắng được gì và mất gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/4 đã ký sắc lệnh hành pháp tăng thuế quan đối với hàng Trung Quốc tên 125% từ mức trước đó là 84%. Mức thuế này sẽ cộng thêm khoản thuế 20% mà Mỹ đã áp lên hàng hóa Trung Quốc từ trước liên quan đến vấn đề buôn lậu thuốc giảm đau gây nghiện fentanyl. Như vậy, thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc hiện tổng cộng là 145% sau đợt tăng mới nhất, Nhà Trắng xác nhận với Đài CNBC.
Việc Tổng thống Donald Trump quyết định áp mức thuế 145% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – trong khi tạm hoãn áp thuế với nhiều quốc gia khác – đã thổi bùng cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đằng sau động thái quyết liệt này, nước Mỹ có thể thu về một số lợi ích chiến lược, nhưng cũng đối mặt với nhiều rủi ro kinh tế nghiêm trọng trong cả ngắn và dài hạn.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung là cơ hội hồi sinh ngành sản xuất của Hoa Kỳ
Trump kỳ vọng rằng chính sách thuế quan khắt khe sẽ buộc Trung Quốc phải quay lại bàn đàm phán trong thế yếu, từ đó giúp Mỹ đạt được các “thỏa thuận công bằng” hơn. Mục tiêu lâu dài là giảm thâm hụt thương mại – vốn đã lên tới gần 300 tỷ USD với Trung Quốc năm 2024 – và thúc đẩy sự trở lại của ngành sản xuất trong nước.
Một số ngành như thép, ô tô và công nghiệp nặng có thể được hưởng lợi từ việc giảm cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Trung Quốc giá rẻ. Bên cạnh đó, nếu thuế nhập khẩu được duy trì lâu dài, các nhà sản xuất Mỹ có thể đầu tư lại vào hạ tầng, máy móc, mở rộng việc làm, phục hồi vai trò sản xuất vốn từng là xương sống của nền kinh tế sau Thế chiến thứ hai.
Về mặt kinh tế, Trump kỳ vọng thuế quan cao sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Mỹ quay lại sản xuất trong nước. Một số ngành công nghiệp như thép, ô tô, máy móc có thể hưởng lợi do giảm sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ nhập khẩu. Năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu tới Mỹ gần 439 tỷ USD hàng hóa. Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, các thiết bị cơ khí (chủ yếu là các sản phẩm công nghệ tầm thấp đến tầm trung) nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 46,4% tổng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào năm 2022.

Vincent Vicard, chuyên gia kinh tế tại viện nghiên cứu CEPII (Pháp), nhận định: “Một số ngành như ô tô và thép có thể được lợi từ việc giảm cạnh tranh. Nhưng quan trọng là, tác động sẽ không rõ rệt trong ngắn hạn, mà phải mất 5 – 10 năm mới thấy được đầu tư quay trở lại.”
Tổn thất: Lạm phát, việc làm và chi phí người dân phải gánh chịu
Tuy nhiên, những cái được ấy đi kèm với nhiều cái mất đáng kể. Theo các chuyên gia, áp thuế ở mức 145% sẽ khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, dẫn tới chi phí sản xuất và giá tiêu dùng trong nước tăng theo.
Brian Coulton, kinh tế trưởng tại Fitch Ratings, cảnh báo: “Mức lương sản xuất tại Mỹ khoảng 30 USD/giờ, trong khi tại Trung Quốc chỉ khoảng 12 USD. Việc đẩy mạnh sản xuất trong nước sẽ rất tốn kém.”
Việc áp thuế cao đồng nghĩa với giá hàng hóa tiêu dùng sẽ tăng. Nhiều mặt hàng như điện tử, quần áo, đồ gia dụng vốn phụ thuộc vào nguồn hàng Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Coulton ước tính, nếu chi phí đầu vào tăng đều, lạm phát Mỹ có thể vượt 4% trong năm 2025, từ mức 2,8% hiện tại. Đây là mức tăng đáng lo ngại, khi người tiêu dùng phải chi tiêu nhiều hơn cho cùng một mức hàng hóa.
Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp Mỹ – đặc biệt là công nghệ – phụ thuộc vào linh kiện từ Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Apple là một ví dụ tiêu biểu, khi hầu hết chuỗi cung ứng của hãng đặt tại châu Á. Họ sẽ buộc phải cắt giảm lợi nhuận hoặc đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp tới sức mua và tâm lý thị trường.

Thị trường lao động cũng không miễn nhiễm. Trong cuộc chiến thương mại 2018, Mỹ đã mất khoảng 245.000 việc làm. Với phạm vi thuế hiện tại rộng hơn, thiệt hại có thể còn lớn hơn. Thêm vào đó, GDP của Mỹ cũng có nguy cơ giảm tốc do tác động dây chuyền đến chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp. Nếu kịch bản "thuế chồng thuế" kéo dài, GDP của Mỹ có thể suy giảm 0,5 – 1%, theo phân tích của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng tại Washington.
Dù thị trường chứng khoán Mỹ đã bật tăng mạnh sau thông báo tạm hoãn thuế với nhiều quốc gia (S&P 500 tăng 9,5% trong ngày 10/4), nhưng giới phân tích cho rằng đây chỉ là phản ứng ngắn hạn trước việc tạm hoãn thuế với các nước khác. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Mỹ (sau Mexico và Canada) – kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 582,4 tỷ USD, chiếm một phần lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala, cảnh báo: “Căng thẳng hiện nay có thể khiến thương mại song phương Mỹ - Trung giảm tới 80% trong những năm tới.”
Nhiều chuyên gia cho rằng sự phân biệt trong chính sách giữa Trung Quốc và phần còn lại thế giới cho thấy Mỹ đang chơi một canh bạc mạo hiểm. Nếu căng thẳng leo thang và không có thỏa thuận nào đạt được, kịch bản “thuế chồng thuế” có thể đẩy cả hai nền kinh tế vào vòng xoáy suy thoái. Chiến tranh thương mại chưa bao giờ là công cụ chính sách không gây tổn thương. Với Mỹ, đây là cuộc chơi đánh đổi: giữa cơ hội định hình lại cán cân thương mại và rủi ro làm tổn thương nền kinh tế trong nước. Cái được có thể là chiến lược, nhưng cái mất có thể là hiện thực mà người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu ngay trong năm nay.