Cao su Việt Nam (GVR) cài "số lùi" về lợi nhuận, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gắn với thoái vốn đầu tư
Giá bán mủ cao su liên tục giảm, khối công nghiệp cao su không có khả năng tăng trưởng
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam – Công ty cổ phần (HoSE: GVR) vừa công bố Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Năm 2022, GVR ghi nhận doanh thu và lợi nhuận hợp nhất trước thuế tương ứng đạt 28.308 tỷ đồng và 5.702 tỷ đồng, vượt lần lượt 1% và 16,4% so với kế hoạch năm.
GVR nhận định, năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn nhiều hơn. Hiện nay, thực trạng giá bán mủ cao su, sản phẩm chính của ngành liên tục suy giảm và khó tiêu thụ. Khối công nghiệp cao su hoạt động khó khăn và không có khả năng tăng trưởng do giới hạn về công suất thiết kế, chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Khối thủy điện tuy hoạt động thuận lợi nhưng quy mô nhỏ, giới hạn bởi công suất thiết kế, nguồn nước, giờ phát điện (phụ thuộc vào khách hàng) nên khu vực này dự báo sẽ có tăng trưởng so với kế hoạch được giao nhưng không lớn.
Khối các công ty khu công nghiệp hoạt động khá thuận lợi, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu, chia cổ tức cho các cổ đông/Tập đoàn cao nhưng quy mô nhỏ và hiện nay cơ bản đã hết quỹ đất sạch để cho thuê nên việc gia tăng nguồn thu, tạo đà tăng trưởng đột biến trong năm kế hoạch sẽ rất khó khăn.
Gỗ, sản phẩm từ gỗ cao su tuy đem lại nguồn thu/lợi nhuận khá lớn cho các công ty cao su khi thực hiện thanh lý vườn cây và các công ty chế biến gỗ trong Tập đoàn. Tuy nhiên dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục khó khăn do ảnh hưởng tiêu cực bởi thị trường bất động sản trong nước và suy thoái kinh tế của các nước lớn nên dự báo nhu cầu, giá bán sẽ chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn. Hơn nữa, chi phí đầu vào của doanh nghiệp như tiền thuê đất, chi phí nhiên liệu, năng lượng, tiền lương… liên tục tăng.
Do đó, năm 2023, Đại hội thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh với doanh thu và thu nhập khác hợp nhất và lợi nhuận sau thuế hợp nhất lần lượt là 27.527 tỷ đồng và 4.264 tỷ đồng, lần lượt giảm 2,8% và 10,3% so với thực hiện năm 2022. GVR thống nhất chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 3,5%. Năm 2023, dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 3% vốn điều lệ.
Thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sáp nhập doanh nghiệp
Trước tình hình khó khăn, ban lãnh đạo GVR cũng đã đề ra các phương án hoạt động để đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2023.
Thứ nhất, bám sát kế hoạch khối lượng năm 2023 của các đơn vị thành viên đã được HĐQT giao, đặc biệt trên 5 lĩnh vực lớn gồm: Khu vực nông nghiệp, Khu công nghiệp, Công nghiệp cao su, Chế biến gỗ, Thủy điện để chỉ đạo thực hiện hoàn thành vượt mức về khối lượng khai thác, chế biến, tiêu thụ… nhằm đảm bảo nguồn thu ngay cả khi giá bán có sự suy giảm, kiểm soát chặt chi phí, giá thành theo hướng phải cân đối được giá bán đầu ra (cân đối với thu nhập) để đảm bảo thực hiện lợi nhuận kế hoạch.
Thứ hai, các đơn vị thành viên tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ thực hiện đầu tư các hạng mục, dự án có hiệu quả kinh tế cao và cấp thiết nhằm gia tăng năng lực sản xuất, hạn chế tối đa các khoản đầu tư làm phát sinh thêm chi phí gián tiếp do tăng chi phí sử dụng vốn, chi phí khấu hao trước mắt và lâu dài. Nguồn vốn cân đối được trong năm kế hoạch tập trung trả nợ ngân hàng để giảm áp lực về tài chính.
Tại Công ty mẹ - Tập đoàn, nguồn vốn tích tụ, tập trung đầu tư phát triển các dự án khu công nghiệp/ cụm công nghiệp; các dự án chế biến gỗ quy mô lớn… như định hướng phát triển trong đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 – 2025 (Những dự án trọng điểm/ quy mô lớn triển khai trong năm 2023 bao gồm: Dự án Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn II; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp do Công ty con – CTCP KCN Bắc Đồng Phú làm chủ đầu tư tại tỉnh Bình Phước; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Rạch Bắp mở rộng, tỉnh Bình Dương;…).
Thứ ba, GVR tập trung vào các nhiệm vụ chính, đó là: Hoàn thành việc trình và phê duyệt tăng vốn điều lệ cho các công ty cao su TNHH MTV để đáp ứng yêu cầu phát triển; trình và thực hiện đề án tái cơ cấu GVR giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, trọng tâm là thoái vốn đầu tư ngoài ngành, sáp nhập doanh nghiệp; chuyển đổi loại hình doanh nghiệp gắn với thoái vốn đầu tư. Công ty sẽ phát triển các khu công nghiệp trên đất cao su bao gồm các dự án mở mới và các dự án mở rộng, hình thức đầu tư có thể Tập đoàn, các đơn vị thành viên là chủ đầu tư trực tiếp trên đất cao su chuyển đổi hoặc tiếp tục thành lập doanh nghiệp để huy động thêm vốn ngoài Tập đoàn (trong điều kiện không cân đối đủ nguồn lực đối ứng) để thực hiện các dự án.
Thứ tư, GVR thực hiện tăng cường quản lý, kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm của tập đoàn, xây dựng giải pháp tiết kiệm chi phí thiết thực, chống lãng phí nhằm đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả; lên kế hoạch đẩy mạnh xúc tiến thương mại, khai thác, mở thêm thị trường mới, triển khai các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo tăng trưởng về lâu dài với các lĩnh vực nông nghiệp, gỗ.
Tại ngày 31/3/2023, GVR ghi nhận tổng cộng nguồn vốn ở mức 77.043 tỷ đồng, tổng nợ phải trả là 22.752 tỷ đồng, giảm lần lượt 1,7% và 8,7% so với số đầu năm.
Trong quý I/2023, GVR ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ hợp nhất đạt 4.135 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 755,7 tỷ đồng, giảm lần lượt 15,5% và 42,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Giải trình về kết quả sản xuất kinh doanh, GVR cho biết, do tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng khó khăn, giá bán các mặt hàng chủ yếu giảm so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ khiến lợi nhuận gộp giảm đáng kể.