Cấp 193 bằng tiếng Anh giả, cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô đã trục lợi bao nhiêu?

24/11/2020 08:40 GMT+7
Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô và đồng phạm đã hưởng lợi cá nhân hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ việc cấp 193 bằng tiếng Anh không qua thi tuyển.

Cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô bị đề nghị truy tố 

Ngày 23/11, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã hoàn tất kết luận đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Trường ĐH Đông Đô về tội "giả mạo trong công tác".

Các bị can gồm: Dương Văn Hòa, nguyên hiệu trưởng; Trần Kim Oanh và Lê Ngọc Hà, cùng nguyên phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang, nguyên phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Nguyễn Thị Huệ, nguyên trưởng phòng tài chính, kế toán; Phạm Vân Thùy, Lê Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Ngọc Thái, Ngô Quang Hiển và Lê Thị Lương, cùng nguyên là cán bộ.

Quá trình điều tra xác định, ông Trần Khắc Hùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Đô, và đồng phạm đã lợi dụng sơ hở, thiếu sót của Bộ GD-ĐT trong công tác quản lý việc tuyển sinh, đào tạo, cấp bằng đối với hệ văn bằng 2 để thực hiện hành vi phạm tội. Bị can Trần Khắc Hùng hiện đang bỏ trốn, cơ quan điều tra tạm đình chỉ, bắt được sẽ xử lý sau.

Cấp 193 bằng tiếng Anh giả, cựu Hiệu trưởng ĐH Đông Đô đã trục lợi bao nhiêu? - Ảnh 1.

Bị can Dương Văn Hòa đã lợi dụng chức vụ tại Trường ĐH Đông Đô ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân. Ảnh Bộ Công an

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Trường ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo văn bằng đại học thứ hai, trong đó có văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Tiếng Anh (Văn bằng 2 Tiếng Anh).

Tuy nhiên, từ năm 2015-2017, Trường ĐH Đông Đô đã đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh và được Bộ Giáo dục và Đào tạo (Vụ Kế hoạch Tài chính) thông báo chỉ tiêu tuyển sinh.

Từ năm 2017, Vụ giáo dục Đại học cho đăng tải Đề án tuyển sinh lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Từ tháng 4/2017, ông Nguyễn Khắc Hùng đã chỉ đạo Trần Kim Oanh và Dương Văn Hòa ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở, cá nhân, đồng thời ký hợp đồng hỗ trợ tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở đào tạo.

Trong đó, có 12 cơ sở đã tuyển sinh được 3.527 học viên, nộp cho Trường ĐH Đông Đô tổng số tiền hơn 24 tỉ đồng. Trường ĐH Đông Đô cung cấp tài liệu chỉ xác định được 2.523 người đã nộp tổng số tiền là 18 tỉ đồng.

Trong số tiền đã thu, trường này chỉ sử dụng 780 triệu đồng thanh toán kinh phí tổ chức thi, chấm thi hệ văn bằng 2 tiếng Anh, số tiền còn lại sử dụng phục vụ hoạt động chung của trường nhưng không cung cấp được chứng từ về nhiều khoản chi.

Kết luận điều tra xác định các bị can là lãnh đạo, nhân viên nhà trường đã câu kết, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi cấp văn bằng 2 tiếng Anh giả. 

Trong đó, bị can Dương Văn Hòa, lợi dụng chức vụ tại Trường ĐH Đông Đô, đã ký bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh hệ văn bằng 2 chính quy giả để cấp cho 193 cá nhân.

Bị can Dương Văn Hòa còn ký các tài liệu để hợp thức hồ sơ cấp bằng gồm 23 danh sách đề nghị in bằng, giấy đề nghị xét tốt nghiệp có tên của 108 cá nhân được cấp bằng giả; ký quyết định về việc công nhận tốt nghiệp ĐH văn bằng 2 chính quy đợt 1 năm 2018...

Ngoài ra, các bị can còn có hành vi hợp thức hồ sơ, tài liệu để cấp bằng giả cho 118 cá nhân khác. Kết quả điều tra xác định, các bị can đã hưởng lợi cá nhân hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Tội "Giả mạo trong công tác" bị xử lý thế nào?

Điều 359 Bộ Luật hình sự quy định, người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả; Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Có tổ chức; Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu; Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 06 giấy tờ giả đến 10 giấy tờ giả; Để thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng 11 giấy tờ giả trở lên; Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

An Vũ (Tổng hợp)
Cùng chuyên mục