Cây khô, người khát ở Kon Tum
Bước vào giữa mùa khô, tình trạng hạn hán kéo dài đang khiến cây trồng tại tỉnh Kon Tum bị ảnh hưởng nặng nề. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, ngay tại TP.Kon Tum tình trạng hạn hán cũng đang diễn ra khá phức tạp. Hàng trăm héc ta cây trồng vàng héo, những cánh đồng thiếu nước nứt nẻ. Nhiều hồ đập trong tình trạng khô cạn, trơ đáy.
Chưa biết tìm đâu ra nước tưới
Ngồi nhìn vườn cà phê hơn 3 ha héo rũ vì thiếu nước tưới, ông Bùi Tiến Viên (57 tuổi, ở tổ 4, P.Ngô Mây, TP.Kon Tum) cho biết 3 ngày tới không có mưa thì ông sẽ phải kéo nước cứu cà phê. Nếu như các năm trước gia đình ông chỉ phải tưới cà phê trong 3 đợt thì năm nay gia đình ông phải tưới đợt thứ 5. “Cả vườn cà phê hơn 3.000 gốc héo rũ hết rồi. Sông suối thì cạn khô, giếng nước sinh hoạt của gia đình cũng gần hết rồi nên chúng tôi cũng chưa biết tìm nguồn nước ở đâu để tưới cà phê”, ông Viên than thở.
Dù đã bỏ nhiều chi phí tưới thêm 2 đợt để cứu cà phê nhưng theo ông Viên, sản lượng cà phê năm nay vẫn sụt giảm chỉ bằng nửa các năm trước. Các năm trước, vườn cà phê của ông thu hoạch khoảng 20 tấn quả tươi thì năm nay chỉ còn khoảng 12 tấn.
Cùng với cây cà phê, đến thời điểm hiện tại nông dân trên toàn tỉnh Kon Tum đã trồng được hàng chục ngàn héc ta sắn niên vụ năm nay. Tuy nhiên, do nắng nóng, khô hạn kéo dài khiến nhiều diện tích sắn bị chết buộc người dân phải trồng lại. Ông Lê Hoài Thì, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Bla (TP.Kon Tum), cho biết: “Sau vài trận mưa giông vào đầu tháng 4, nghĩ là đã đến mùa mưa nên bà con đã xuống giống sắn ở diện tích bị chết. Thế nhưng nắng hạn tiếp tục kéo dài nên diện tích sắn của bà con lại bị khô hạn và chết dần. Có những hộ mất trắng không còn giống để tiếp tục trồng trong vụ này”.
Hàng ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt
Không chỉ gây ảnh hưởng đến cây trồng, hạn hán đang đe dọa đời sống người dân tại Kon Tum bởi tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Bà Y Đây (50 tuổi, ở làng Ngo, xã Ngọc Bay, TP.Kon Tum) cho biết gia đình bà và nhiều người khác trong làng đang thiếu nước ăn uống, sinh hoạt nghiêm trọng. Tình trạng này bắt đầu diễn ra từ đầu tháng 3, khi hạn hán lên đến đỉnh điểm. Mặc dù gia đình bà đã cố gắng nạo vét giếng nhưng vẫn không tìm được nước. Để có nước uống, 6 giờ sáng mỗi ngày bà Đây cùng dân làng phải ra “giọt nước” (điểm lấy nước tập trung của làng, dẫn từ suối về) cách nhà hơn 3 km đem về sử dụng.
Tương tự, tại H.Ia H’Drai tình trạng hạn hán kéo dài cũng đang khiến nguồn nước sinh hoạt nơi đây trở nên khan hiếm. Chị Ksor Sem (ở xã Ia Tơi) cho biết gia đình chị đã phải đào giếng nhưng do địa chất vùng này toàn sỏi đá nên việc đào giếng thủ công để tìm tới mạch nước ngầm cũng là bất khả thi. Hằng ngày, các thành viên trong gia đình chị phải đi một quãng đường khá xa gùi nước từ suối mang về nhà. "Những hộ gia đình khác có điều kiện thì mua nước bình, nước đóng chai về ăn uống. Nhà mình nghèo, đành phải dùng nước suối thôi. Không biết nước sạch hay bẩn nhưng vẫn phải sử dụng vì chẳng còn cách nào khác", chị Sem tâm sự.
Theo Sở NN-PTNT Kon Tum, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán; trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng là 374 ha, cây công nghiệp là 636 ha. Toàn tỉnh có 1.641 giếng bị khô hạn gây ảnh hưởng trực tiếp 2.094 hộ dân; bao gồm TP.Kon Tum 566 giếng (721 hộ). H.Sa Thầy 314 giếng (345 hộ), H.IaH’Drai 737 giếng (944 hộ)…