CEO Vinaconex Nguyễn Xuân Đông "rút" khỏi hội đồng quản trị VCR?
CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (HNX: VCR, Vinaconex – ITC) vừa công bố đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng quản trị của ông Nguyễn Xuân Đông, vì lý do cá nhân.
Vinaconex – ITC là công ty con do Vinaconex sở hữu trên 50% vốn, tiền thân là Ban quản lý dự án Cái Giá - Cát Bà.
Ông chủ An Quý Hưng từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị VCR
Ông Nguyễn Xuân Đông được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 của Vinaconex – ITC từ tháng 3 tại phiên họp ĐHCĐ thường niên 2019, cùng với ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của công ty mẹ Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG). Ông Đông cũng là Tổng giám đốc và thành viên HĐQT của Vinaconex.
“Trong thời gian tham gia HĐQT công ty, tôi luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ Thành viên HĐQT công ty theo điều lệ công ty và các quy định của pháp luật hiện hành. Nay vì lý do cá nhân, tôi xin từ nhiệm Thành viên HĐQT công ty nhiệm kỳ 2018 – 2023”, đơn xin từ nhiệm của ông Nguyễn Xuân Đông nêu rõ.
Hiện, ông Nguyễn Xuân Đông cũng đang giữ vị trí Tổng giám đốc Vinaconex. Ngoài ra, ông còn là ông chủ của Công ty TNHH An Quý Hưng, công ty mẹ của "ông lớn" Vinaconex (VCG).
An Quý Hưng được thành lập năm 2001, có vốn điều lệ trên 500 tỷ đồng, đang sở hữu 57,71% cổ phần Vinaconex; Thành viên độc lập HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCR của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex gần đây tăng bất thường, hàng chục phiên tăng trần liên tục. Nếu so với đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tới trên 400% và dừng ở 22.300 đồng/cp trong phiên 24/5, từ mức 4.400 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.
Cổ phiếu tăng mạnh song kết quả kinh doanh công ty vẫn lao dốc. Quý I/2019, công ty không có doanh thu bán hàng và lỗ 1,7 tỷ đồng. Năm 2018, công ty cũng lỗ 11 tỷ, năm 2017 lỗ 15,8 tỷ đồng. Luỹ kế đến 31/3/2019, VCR vẫn lỗ luỹ kế 82 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông năm 2019, VCR đặt mục tiêu doanh thu 2018 đạt 25,8 tỷ, lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 1,8 tỷ đồng. VCR cũng công bố lùi cổ tức tiền mặt năm 2010 đến năm 2020 mới thanh toán.
Cũng tại phiên họp cổ đông thường niên 2019, đơn vị này đã nhất trí chủ trương thúc đẩy triển khai dự án Khu đô thị Cái Giá, Cát Bà, thông qua việc phát hành 3 triệu trái phiếu giá 100.000 đồng/trái phiếu, dự kiến thu về 300 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng thuê các đơn vị tư vấn để hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án ngay trong quý I. Công ty dự kiến nộp tiền sử dụng đất trong quý II, phê duyệt quy hoạch điều chỉnh chi tiết 1/500 trong quý III và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư trong quý IV.
Những dấu hỏi lớn về An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông
Nổi lên như một “hiện tượng lạ” sau thương vụ “cá bé nuốt cá lớn” tại Vinaconex, An Quý Hưng của ông Nguyễn Xuân Đông thời gian gần đây đã bộc lộ thực trạng là khoản nợ khổng lồ phát sinh từ thương vụ thâu tóm vượt quá sức mình và việc doanh nghiệp này huy động vốn qua phát hành trái phiếu thất bại đã phần nào phản ánh niềm tin của giới đầu tư đối với “công ty mẹ” của Vinaconex.
Theo đó, An Quý Hưng đã chào bán 2.600 tỷ đồng và An Quý Hưng Land chào bán 2.700 tỷ đồng trái phiếu theo hình thức trái phiếu không chuyển đổi. Tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành này là toàn bộ lô 255 triệu cổ phiếu Vinaconex, tương đương toàn bộ 58% cổ phần phổ thông của Vinaconex mà An Quý Hưng bỏ gần 7.400 tỷ đồng mua vào hồi cuối năm 2018.
Đại gia Nguyễn Xuân Đông nổi lên sau thương vụ "cá bé nuốt cá lớn" gặp khó trong cuộc chiến quyền lực tại Vinaconex?
Tuy nhiên, toàn bộ hai lô trái phiếu của An Quý Hưng và An Quý Hưng Land đã không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Tuy đơn vị phát hành trái phiếu không nói rõ mục đích của đợt huy động vốn này là gì, nhưng nhìn vào những thông tin tài chính liên quan đến An Quý Hưng thì phần nào giới đầu tư cũng đoán biết được mục đích của đợt huy động vốn, đó là áp lực của khoản nợ ngắn hạn lên đến 4.000 tỷ đồng, nợ dài hạn 8.000 tỷ đồng
Giới chuyên gia cảnh báo, rủi ro khi công ty mẹ của Vinaconex chịu áp lực nợ vay quá lớn có thể ảnh hưởng đến các quyết định chủ lực, chiến lược dài hạn của Vinaconex. Đặc biệt, nhóm An Quý Hưng đang nắm quyền chi phối, giữ hết các vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc, Kế toán trưởng, Trưởng ban kiểm soát ở Vinaconex.
Cuộc "nội chiến" ở Vinaconex vừa qua cũng xuất phát từ nguyên nhân này khi nhóm cổ đông Bất động sản Cường Vũ, Star Invest có đơn tố cáo và yêu cầu Toà án nhân dân quận Đống Đa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bảo vệ quyền lợi cổ đông vì ban lãnh đạo Vinaconex có nhiều khoản chi tài chính bất thường. Tuy nhiên, sau đó Toà đã bác yêu cầu của nhóm Cường Vũ vì nhóm cổ đông này chưa đạt điều kiện là cổ đông của Vinaconex trên 6 tháng.
Việc không huy động được vốn lần này của An Quý Hưng có thể sẽ đẩy nhóm cổ đông lớn này vào thế khó trong cuộc tranh chấp quyền lực với nhóm Cường Vũ - Star Invest ở Vinaconex.
“Thất bại” trong việc huy động 5.300 tỷ vừa qua có lẽ đã nằm ngoài dự kiến của An Quý Hưng. Thế nhưng, kết quả này lại là minh chứng rõ nét nhất thể hiện phản ứng của các nhà đầu tư tài chính đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Có vẻ như với đợt huy động vốn thất bại này, thị trường đã phản ánh thiếu niềm tin với An Quý Hưng chứ không phải là cái danh “công ty mẹ” của Vinaconex như cái danh xưng xuất hiện sau vụ thâu tóm “cá bé nuốt cá lớn” diễn ra cuối năm 2018.
Như vậy, tới thời điểm hiện tại ngoài những câu hỏi đặt ra về dòng tiền của An Quý Hưng thì việc ông Nguyễn Xuân Đông từ nhiệm Thành viên HĐQT tại CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex vì lý do cá nhân cũng lại là một dấu hỏi cho cổ đông Vinaconex và CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex?