Chân dung tân Tổng giám đốc FPT Retail Hoàng Trung Kiên
Theo tin từ CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, Mã: FRT), từ ngày 7/3/2020 bà Nguyễn Bạch Điệp thôi chức Tổng Giám đốc công ty, tập trung điều hành chuỗi nhà thuốc Long Châu cũng như thúc đẩy các mảng kinh doanh mới của FPT Retail. Hiện bà Nguyễn Bạch Điệp vẫn nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT FPT Retail.
"Nữ tướng" của FPT Retail - Nguyễn Bạch Điệp là tên tuổi không còn xa lạ trong giới công nghệ. Bà được biết đến là người có công lớn trong việc đưa FPT Retail từ 17 cửa hàng phát triển thành chuỗi điện thoại lớn thứ 2 Việt Nam với hơn 500 địa điểm, giờ đã mở rộng ra kinh doanh dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu hay mỹ phẩm với FPT Beauty.
Bà Điệp từng trải qua nhiều vị trí lãnh đạo như Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile, Tổng Giám đốc Công ty điện thoại Ivoice, Tổng Giám đốc FPT Telecom miền Nam, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ FPT.
Từ năm 2012 đến nay, bà là Tổng giám đốc của FPT Retail và kiêm nhiệm thêm chức Chủ tịch HĐQT công ty này từ 1/1/2017.
Thay thế bà Điệp trong vai trò Tổng giám đốc FPT Retail nhiệm kỳ 3 năm từ ngày 7/3/2020 đến hết ngày 6/3/2023 là ông Hoàng Trung Kiên.
Ông Hoàng Trung Kiên sinh năm 1978, tốt nghiệp Thạc sĩ ngành quản trị kinh doanh và hệ thống thông tin tại Vương quốc Bỉ. Gia nhập FPT năm 2000, ông Kiên có kinh nghiệm xây dựng, quản trị hệ thống và phát triển kinh doanh với 7 năm tham gia các dự án xây dựng hệ thống thông tin cho Chính phủ, bộ ngành, doanh nghiệp; 12 năm kinh nghiệm mở rộng vùng phủ trong lĩnh vực viễn thông.
Hơn 19 năm làm tại FPT, ông nắm giữ nhiều vị trí quan trọng, như Phó Tổng giám đốc FPT Telecom (7/2012 – 3/2020), phụ trách phát triển kinh doanh nhiều vùng trên cả nước; Phó Tổng giám đốc FPT Telecom (2008 - 2009), Phó giám đốc Trung tâm truyền thông trực tuyến của FPT Telecom (2007)...
Trước khi được bổ nhiệm chính thức làm tân Tổng giám đốc FPT Retail, ông Kiên được phân công kiêm việc điều hành mảng kinh doanh FPT Shop và khối hỗ trợ kinh doanh. FPT Shop là mảng kinh doanh đem lại nguồn thu chủ yếu của FPT Retail với hơn 610 cửa hàng trên toàn quốc, đứng thứ 2 về thị phần bán lẻ điện thoại tại Việt Nam.
FPT Retail tiến hành "thay tướng" trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này đang gặp không ít khó khăn. Mảng kinh doanh truyền thống của FPT Retail là bán điện thoại, laptop đang trong chu kỳ bão hòa. Các mảng kinh doanh như dược phẩm với chuỗi nhà thuốc Long Châu hay mỹ phẩm với chuỗi F.Beauty nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng cũng đối mặt áp lực cạnh tranh lớn. FPT Retail từng thử sức trong lĩnh vực điện máy với việc hợp tác với Nguyễn Kim nhưng cũng không mang lại nhiều kết quả.
Báo cáo hợp nhất năm 2019 cho biết FPT Retail ghi nhận doanh thu thuần 16.634 tỷ đồng, tăng trưởng 8,7% so với năm 2018 và thực hiện 94% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cả năm đạt 204 tỷ đồng, giảm hơn 41% so với năm trước và chỉ thực hiện gần 49% kế hoạch cả năm 2019.
Cổ phiếu FRT lên sàn chứng khoán từ tháng 4/2018 nhưng kể từ thời điểm đó đến nay luôn trong xu hướng giảm giá. FRT hiện chỉ giao dịch quanh ngưỡng 20.000 đồng/cp, giảm 75% so với vùng giá khi mới lên sàn.