Chỉ số Buffett lên cao kỷ lục giữa đại dịch, nguy cơ bong bóng lớn đến đâu?

16/02/2021 07:49 GMT+7
Các chỉ số chứng khoán Mỹ liên tục lập đỉnh mới đã đẩy chỉ số Buffett – một thước đo định giá thị trường quan trọng – lên cao kỷ lục. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan nhanh và nền kinh tế còn yếu, nhiều nhà đầu tư lo ngại thị trường đang hình thành bong bóng.
 - Ảnh 1.

Tỷ phú Warren Buffett - Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn Berkshire Hathaway - chụp ảnh với người hâm mộ. (Ảnh: Wall Street Journal).

Chỉ số Buffett: "Thước đo định giá tốt nhất"

Khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhiều phiên liên tiếp, các nhà đầu tư lập tức nghĩ đến lời khuyên nổi tiếng nhất của huyền thoại Warren Buffett: "Hãy sợ hãi khi người khác tham lam".

Nếu nhìn vào chỉ số Buffett những ngày này, chắc hẳn nhiều người sẽ không chỉ sợ hãi mà còn hoảng loạn tột cùng. 

Warren Buffett xây dựng chỉ số này một cách hết sức đơn giản: Lấy tổng vốn hóa thị trường của các cổ phiếu niêm yết chia cho giá trị GDP danh nghĩa của nền kinh tế. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Forbes năm 2001, ông đã gọi chỉ số này là "thước đo tốt nhất về định giá thị trường cổ phiếu tại một thời điểm bất kỳ".

Tại thị trường chứng khoán Mỹ, chỉ số Buffett nằm trong khoảng 70 - 80% nghĩa là thị trường đang rẻ, nhà đầu tư nên tìm cơ hội mua vào. Nếu chỉ số này trên 100%, nhà đầu tư nên xem xét chiến lược phòng thủ.

Hiện nay, nếu lấy vốn hóa chỉ số bao quát thị trường Wilshire 5000 chia cho GDP danh nghĩa quý IV/2020 của Mỹ, chỉ số Buffett sẽ có giá trị lên tới 172%, cao hơn nhiều so với thời điểm trước hai cuộc khủng hoảng gần đây nhất vào quý I/2000 và quý II/2007.

 - Ảnh 2.

Nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu, số lao động tại Mỹ hiện nay thấp hơn 10 triệu người so với thời điểm trước đại dịch; hàng nghìn quán bar, nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ đứng bên bờ vực phá sản. Tổng thống Joe Biden cho rằng người dân Mỹ cần thêm một gói hỗ trợ tài khóa trị giá 1.900 tỷ USD. 

Vậy nhưng các chỉ số chứng khoán vẫn liên tục lập đỉnh mới, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite hiện nay đã tăng lần lượt 69%, 76% và 105% so với đáy hồi tháng 3/2020. Riêng trong hơn một tháng đầu năm 2021, S&P 500 đã 10 lần phá đỉnh.

Diễn biến trái ngược của nền kinh tế thực và thị trường chứng khoán đang gây ra không ít lo ngại.

Các nhà đầu tư thường nói rằng "xu thế là bạn", hàm ý rằng khi thị trường đang trong xu thế dài hạn thì nhà đầu tư dễ kiếm lợi. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, xu thế đi lên của thị trường cũng không thể giải thích nổi định giá cao vót của nhiều cổ phiếu.

Nhiều lần báo động giả

Vào năm 2019, chỉ số Buffett lần đầu vượt qua đỉnh thiết lập trong cuộc khủng hoảng dotcom năm 2000. Nhiều nhà quan sát khi đó đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bong bóng nhưng rồi thị trường vẫn cứ đi lên đến mức như ngày hôm nay. 

Theo Bloomberg, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cam kết tiếp tục bơm tiền và giữ lãi suất gần 0%, chính quyền liên bang tăng cường hỗ trợ tài khóa và người dân có dư tiền tiết kiệm, có thể việc chỉ số Buffett lên cao chỉ là báo động giả như lần trước và không quá đáng ngại.

Dù vậy, ông Michael O'Rourke – Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty môi giới JonesTrading – vẫn tỏ ra lo lắng: "Chỉ số Buffett đã nêu bật lên cơn điên trên thị trường chứng khoán Mỹ mà chúng ta đang chứng kiến. Cho dù các chính sách nới lỏng của Fed có được duy trì mãi mãi đi chăng nữa (thực tế chắc chắn là không) thì việc định giá cao gấp đôi mức bình quân 25 năm cũng là điều vô lý".

Theo Bloomberg, ngoài chỉ số Buffett còn có nhiều thước đo khác như P/E (giá/lợi nhuận), P/S (giá/doanh thu), P/B (giá/giá trị sổ sách hữu hình) đang ở mức cao hơn nhiều so với thời kỳ khủng hoảng dotcom.

Trong lịch sử, việc sử dụng thước đo định giá để phán đoán thời gian thị trường đạt đỉnh thường không chính xác. Nhiều nhà đầu tư hiện nay tin tưởng rằng đợt hồi phục hậu đại dịch sẽ giúp làm tăng mẫu số trong các công thức trên (GDP, doanh thu, lợi nhuận, giá trị sổ sách) nên các chỉ số sẽ sớm trở về khoảng giá trị hợp lý hơn trong tương lai.

Song Ngọc
Cùng chuyên mục