China Evergrande bất ngờ có “động thái lạ” để ngăn chặn viễn cảnh vỡ nợ
Tập đoàn China Evergrande cho biết họ đã giải quyết khoản thanh toán lãi phải trả cho một đợt trái phiếu trong nước bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) đến hạn. Đây được đánh giá là bước tiến bất ngờ có khả năng giúp ngăn chặn một vụ vỡ nợ có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường vốn lớn thứ hai thế giới.
Cụ thể, Hengda Real Estate Group, công ty hàng đầu chuyên mảng BĐS trực thuộc tập đoàn China Evergrande, đã có công bố thông tin đến Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến (SZSE) về việc Hengda "đàm phán một giải pháp ngoại hối" liên quan đến khoản nợ bằng đồng NDT trị giá 4 tỷ NDT (618 triệu USD). Lãi suất đối với khoản nợ này là 5,8%, ước tính khoảng 232 triệu NDT, theo dữ liệu của Bloomberg.
Hengda không tiết lộ chi tiết bên đối tác đàm phán trong tuyên bố hôm 22/9. Mặc dù vậy, đây chỉ là món nợ nhỏ hơn trong số hai khoản nợ trái phiếu sẽ đến hạn thanh toán lãi suất trong tuần này. Evergrande, với tổng số nợ phải trả là 300 tỷ USD, còn một khoản trái phiếu bằng đồng USD đến hạn thanh toán lãi vào ngày 23/9, ước tính khoảng 83,5 triệu USD
Tuy nhiên, động thái bất ngờ được công bố sẽ giúp xoa dịu tình hình khi thị trường tiếp tục giao dịch, khi các nhà đầu tư vẫn đang theo dõi chặt chẽ cách "tập đoàn mắc nợ nhiều nhất thế giới" giải quyết các khoản nợ. Một số nhà đầu tư đã gọi cuộc khủng hoảng này là "Lehman Brothers của Trung Quốc", đồng thời yêu cầu chính phủ đưa ra các gói cứu trợ.
Ezien Hoo, nhà phân tích nghiên cứu tín dụng tại Ngân hàng OCBC có trụ sở tại Singapore, cho biết: "Các nhà phát hành đạt được giải pháp với trái chủ bên ngoài sàn giao dịch là một thực tế khá phổ biến ở thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc. Điều này có nghĩa là ngay cả khi tổ chức phát hành không thanh toán đúng hạn, việc trì hoãn như vậy sẽ tránh được nguy cơ tuyên bố vỡ nợ".
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trái phiếu đô la Mỹ của Evergrande, vẫn chưa rõ liệu công ty có thể hoàn thành phần còn lại của khoản thanh toán hay không. Một khoản trái phiếu bằng USD lãi suất 8,25% đáo hạn vào năm 2022 cũng sẽ đến hạn thanh toán lãi vào 23/9, theo một lưu ý của Ngân hàng OCBC.
Thị trường đã coi China Evergrande là một "ứng cử viên" vỡ nợ, ông Hoo nói. Đó là bởi trái phiếu bằng USD lãi suất 8,25% đã được giao dịch ở mức 26 xu Mỹ đến 27 xu Mỹ so với đồng đô la trong tuần này, gần với giá trị phục hồi của nó - giá trị của một trái phiếu có thể được phục hồi trong trường hợp thanh lý hoặc ngừng hoạt động.
Ngay cả chủ tịch của Evergrande, ông trùm Hứa Gia Ấn, gần đây cũng thừa nhận rằng nhà phát triển phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ khi các khoản vay nợ trở nên quá lớn cùng các trường hợp kiện tụng khác.
Kể từ khi Trung Quốc tăng cường kiểm tra các tập đoàn với yêu cầu "ba vạch đỏ" vào tháng 8 năm ngoái, khó khăn ngay lập tức ập đến với những cái tên lớn trong ngành bao gồm cả Evergrande. Các công ty khác gặp bất lợi trong cuộc kiểm tra bao gồm Guangzhou R & F Properties, với hai cổ đông lớn nhất đã phải bán tài sản dự kiến ban đầu cho đợt IPO (chào bán chứng khoán lần đầu) ở Hồng Kông để hỗ trợ tiền mặt.
Cùng thuộc thị trường trái phiếu bất động sản có lợi suất cao của Trung Quốc, Evergrande có khoảng 19,2 tỷ USD trái phiếu mệnh giá USD, được phát hành bởi cả công ty niêm yết ở Hồng Kông là Evergrande và một công ty con thuộc sở hữu gián tiếp, theo Ngân hàng OCBC.
Kể từ tháng 7/2021, các cơ quan xếp hạng quốc tế như S&P và Fitch Ratings đã hạ cấp China Evergrande. S&P đã hạ cấp công ty xuống "CCC" từ "B-", với lý do vị thế thanh khoản ngày càng kém đi.
Giao dịch trái phiếu của Evergrande trên các sàn giao dịch trong nước cũng bị hạn chế, ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu bằng đồng NDT. Tuần trước, 9 trái phiếu do Hengda phát hành đã bị hạn chế giao dịch bởi các sàn Thượng Hải và Thâm Quyến, một động thái được kích hoạt sau khi cơ quan xếp hạng Trung Quốc China Chengxin International hạ cấp trái phiếu của Evergrande từ "AA" xuống "A".