Cổ phiếu China Evergrande tụt mạnh 19% khi hàng trăm triệu USD trái phiếu đến hạn thanh toán lãi
Tại thời điểm kết thúc phiên giao dịch sáng 20/9, cổ phiếu China Evergrande giảm sâu kỷ lục, giao dịch ở mức 2.06 HKD/cp (tương đương 0,26USD/cp), mức thấp nhất kể từ tháng 5/2010 đến nay.
Cổ phiếu Evergrande Property Services Group Limited - mảng quản lý tài sản trực thuộc China Evergrande giảm hơn 12%.
Cổ phiếu mảng ô tô điện Evergrande New Energy Vehicle cũng giảm mạnh 8%.
Các công ty liên quan cũng chịu ảnh hưởng liên đới không nhẹ. Chẳng hạn, hãng phát trực tuyến phim Hengten Net mà China Evergrande sở hữu phần lớn cổ phần cũng ghi nhận cổ phiếu tụt mạnh 14%.
Hồi cuối tháng 7, cổ phiếu China Evergrande và các công ty con cũng từng tụt mạnh sau khi có tin một công ty xây dựng quốc doanh đệ đơn kiện tập đoàn này không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán khoản tiền hơn 400 triệu Nhân dân tệ đã quá hạn từ lâu. Tuy nhiên, lần giảm giá cổ phiếu này có tính nghiêm trọng hơn hẳn so với hồi tháng 7 khi hàng loạt khoản thanh toán của China Evergrande sẽ đáo hạn trong tuần này và các nhà quản trị doanh nghiệp liên tục cảnh báo về nguy cơ vỡ nợ.
Tính đến cuối năm 2020, China Evergrande hiện đang cõng trên lưng tổng nợ phải trả lên tới 301 tỷ USD. Thực tế, nhà phát triển bất động sản hàng đầu Trung Quốc đã đối mặt với hàng loạt mối quan ngại về tính thanh khoản kém cũng như khả năng vỡ nợ kể từ tháng 3/2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn Trung Quốc khiến các dự án xây dựng đình trệ và bất động sản lao dốc. Tâm lý hoài nghi về số phận China Evergrande ngày càng tăng lên sau khi các cơ quan xếp hạng gần đây liên tục hạ bậc xếp hạng tín dụng của tập đoàn.
Chỉ trong 2 tuần gần nhất, China Evergrande đã 2 lần cảnh báo nguy cơ vỡ nợ chéo do doanh số bán bất động sản có khả năng tiếp tục giảm đáng kể trong tháng 9, nối tiếp chuỗi giảm nhiều tháng liên tiếp và làm tồi tệ hơn tình hình dòng tiền của doanh nghiệp. Trong khi đó, tập đoàn này vẫn đang cố gắng trả tiền cho các nhà cung cấp và đối tác khi các khoản nợ hàng tỷ USD đến kỳ đáo hạn.
Tờ Reuters trích nguồn tin từ các giám đốc điều hành ngân hàng lớn cho biết một trong các chủ nợ chính của China Evergrande đã bắt đầu trích lập dự phòng tổn thất đối với một phần khoản vay cho China Evergrande, trong khi một số khác có kế hoạch hoãn nợ để tạo điều kiện cho nhà phát triển bất động sản có thêm thời gian trả nợ.
Một khoản trái phiếu trị giá 83,5 triệu USD của China Evergrande đáo hạn tháng 3/2022 sẽ đến hạn trả lãi vào ngày 23/9, trong khi một khoản thanh toán lãi suất khác trị giá 47,5 triệu USD đáo hạn tháng 3/2024 sẽ đến hạn vào ngày 29/9 này. Nếu China Evergrande không thể thanh toán lãi suất các khoản trái phiếu này trong vòng 30 ngày kể từ ngày đến hạn, hai trái phiếu này sẽ bị liệt kê vào dạng vỡ nợ.
Trong bất kỳ trường hợp vỡ nợ nào, China Evergrande sẽ cần phải tái cơ cấu trái phiếu. Dù vậy, các nhà phân tích kỳ vọng tỷ lệ thu hồi cho nhà đầu tư là tương đối thấp. Tình hình giao dịch trái phiếu của China Evergrande trong những ngày qua chính là bức tranh rõ nét cho thấy kỳ vọng của nhà đầu tư với gã khổng lồ bất động sản này đã tệ đi như thế nào trong suốt năm nay.
Một ví dụ nổi bật: hôm 9/9, Sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến đã buộc đình chỉ giao dịch trái phiếu bằng đồng Nhân dân tệ đáo hạn tháng 1/2023 của China Evergrande khi giá loại trái phiếu này lao dốc tới 20%. Sau khi được nối lại giao dịch, giá loại trái phiếu trên tiếp tục giảm hơn 30%, gây ra đợt “đóng băng” lần thứ hai trong cùng phiên. Kết thúc phiên 9/9, giá trái phiếu của Evergrande giảm 32% xuống mức thấp kỷ lục là 34 Nhân dân tệ.
Hôm 19/9, nhà phát triển bất động sản Trung Quốc cho biết đã bắt đầu trả nợ cho nhà đầu tư vào “sản phẩm quản lý tài sản” (WMP) của tập đoàn này bằng các tài sản bất động sản, chẳng hạn như văn phòng, căn hộ, mặt bằng bán lẻ hoặc bãi đậu xe. Tờ Caixin ước tính hiện China Evergrande có khoảng 40 tỷ Nhân dân tệ (6 tỷ USD) giá trị khoản nợ WMP chưa thanh toán.
Các nhà hoạch định chính sách đang yêu cầu các chủ nợ của China Evergrande gia hạn thời gian thanh toán lãi suất hoặc giãn nợ. Tuy nhiên, phần lớn thị trường cho rằng một gói cứu trợ trực tiếp từ chính phủ Trung Quốc là điều khó xảy ra.