Chính quyền Tập Cận Bình không tham vọng lật đổ vị thế siêu cường số 1 của Mỹ?

22/10/2019 15:33 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành hôm 22/10 tuyên bố Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một số tiến bộ trong đàm phán Mỹ Trung, đồng thời bày tỏ sự lạc quan rằng xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới chắc chắn có thể giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.
Bắc Kinh không có tham vọng lật đổ vị thế siêu cường số 1 của Mỹ? - Ảnh 1.

Thứ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố đàm phán Mỹ Trung đạt nhiều tiến bộ mới

“Không một quốc gia nào có thể thịnh vượng khi không hội nhập với các quốc gia khác”, ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh trong một phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Tương Sơn tổ chức ở Bắc Kinh. “Thế giới muốn Mỹ và Trung Quốc chấm dứt chiến tranh thương mại. Điều đó đòi hỏi nhiều hơn sự cởi mở, thay vì một diễn biến leo thang”. Đây được coi là câu trả lời gián tiếp của Trung Quốc đáp lại lời kêu gọi giải quyết xung đột của các nhà lãnh đạo quốc tế tại Diễn đàn an ninh thế giới Shangri-la vừa qua.

Từ lâu, Trung Quốc đã quan ngại Mỹ đang tìm cách kiếm chế hoặc cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại Mỹ TrungChính quyền Tập Cận Bình từng nhiều lần kịch liệt lên án các trừng phạt thuế quan và danh sách đen của Mỹ, cho rằng điều đó không chỉ làm gián đoạn chuỗi cung ứng quốc tế mà còn để lại những hậu quả nặng nề cho chính doanh nghiệp Mỹ.

Đến đầu tháng 10 qua, sau vòng đàm phán Mỹ Trung với nhiều tiến bộ tại Washington, căng thẳng thương mại mới hạ nhiệt sau khi hai phái đoàn nhất trí thông qua thỏa thuận giai đoạn 1 về các vấn đề thương mại. Để bày tỏ thiện chí, Mỹ đồng ý đình chỉ kế hoạch tăng thuế lên 30% với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dự kiến có hiệu lực hôm 15/10 trước đó. Trung Quốc cũng cam kết sẽ tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ.

Nói về triển vọng thỏa thuận thương mại, ông Lạc Ngọc Thành nhấn mạnh: “Miễn là cả hai bên tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở hợp tác bình đẳng, không có xung đột nào không thể giải quyết giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.”

“Những gì chính quyền Tập Cận Bình mong muốn chỉ là cuộc sống tốt hơn cho người dân Trung Quốc. Chúng tôi không muốn tranh đoạt điều gì từ bất cứ ai. Không có chuyện Trung Quốc muốn đe dọa hay thay thế vị trí của thế lực nào khác. Trung Quốc và Mỹ đã giữ mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trong nhiều năm qua, sao giờ đây chúng ta lại vứt bỏ những thành tựu đó? ” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố.

Phát ngôn của ông Lạc Ngọc Thành đang ngầm nhắc lại những cáo buộc của Bắc Kinh rằng Mỹ đang cố tình “bắt nạt kinh tế” với Trung Quốc. Chính quyền Tập Cận Bình cho rằng Nhà Trắng đang cố kiềm chế sự phát triển của nền kinh tế Đông Á này bằng hàng loạt những hành vi trừng phạt thuế quan và danh sách đen để ngăn chặn Trung Quốc vươn lên thành siêu cường kinh tế - công nghệ số 1 thế giới. Bằng chứng là Washington liên tục nhắm vào các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quan trọng trong chiến lược Made-in-China 2025 do Ủy ban Trung Ương ĐCS Trung Quốc ban hành năm 2015. 

Về cơ bản, sáng kiến Made in China 2025 thể hiện tham vọng bành trướng kinh tế, biến Trung Quốc tiến lên hàng siêu cường sản xuất, tập trung vào 10 lĩnh vực gồm công nghệ thông tin, robot điều khiển tự động, hàng không vũ trụ, thiết bị y tế dược phẩm sinh học… Dù Bắc Kinh khẳng định đây là chiến lược nhằm “chấn hưng dân tộc” trong bối cảnh kinh tế giảm tốc nhưng rõ ràng, Washington đã phải dè chừng về ý nghĩa sâu xa đằng sau nó.

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng hướng đến sự đổi mới và toàn cầu hóa, việc Trung Quốc đi ngược xu thế, đẩy mạnh khả năng “tự cung tự cấp” trong 10 ngành công nghiệp ưu tiên kể trên rõ ràng khiến Mỹ có lý do để quan ngại. Nhiều khả năng, tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở việc bắt kịp các nền kinh tế sản xuất phát triển, mà còn mong muốn vượt qua, đạt vị thế thống trị, kình địch với Mỹ và tạo nên một phân cực khác của thế giới trong tương lai. Tất nhiên, ở vị thế đối lập, chính quyền Donald Trump hoàn toàn không hy vọng điều này xảy ra.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục